Tinh gọn bộ máy công lập - đừng thiên về cơ học

23/02/2024 09:20

Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được xem là tiền đề quan trọng để đổi mới hệ thống tổ chức; quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, một số bất cập xuất hiện, rất cần tháo gỡ sớm. Nếu không, nghị quyết sẽ “trói buộc” đơn vị sự nghiệp công lập trong “lồng cơ chế” chưa phù hợp.

Mục tiêu 10%

Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một thời gian dài, hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị này quá lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, có phần thiếu minh bạch; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm…

Những hạn chế, yếu kém trên phần lớn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công khá chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình. Nhiều cấp ủy Đảng, lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo đổi mới, sắp xếp lại, quản lý biên chế đơn vị sự nghiệp công lập; chưa chủ động chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công còn phổ biến.

 

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần được sắp xếp phù hợp

 

Nhìn ra những vướng mắc này, Nghị quyết 19-NQ/TW chú trọng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, viên chức; đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính, giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Con số 10% được nhắc đi nhắc lại trong suốt nghị quyết, như: Đến năm 2021, giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so năm 2015; phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập (so giai đoạn 2011 - 2015). Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so năm 2021; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2030, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so năm 2025.

Giảm độ “cồng kềnh”

Hiệu quả của nghị quyết được nhận thấy rõ tại An Giang. Năm 2015, toàn tỉnh có 990 đơn vị sự nghiệp công lập. Đến hết năm 2023, con số này là 851. Như vậy, giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh giảm 139 đơn vị, tỷ lệ 14% (vượt mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW). Tỉnh cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và các đầu mối bên trong của từng đơn vị theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.

Theo UBND tỉnh, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh giảm 5.105 người, gồm: Giảm 4.265 người trong đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình hàng năm; chuyển 840 người của Trường Đại học An Giang về trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ tinh giản biên chế 11,2%, vượt mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW. Giai đoạn 2022 - 2026, tỉnh đề ra lộ trình tiếp tục giảm 3.376 biên chế so năm 2021 (tỷ lệ 10%). Đến hết năm 2023, tỉnh giảm 1.286 người (tương ứng 3,8%).

Một điểm nhấn khác là sắp xếp, tổ chức lại đúng quy định số lượng lãnh đạo cấp phó. Trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (sáp nhập, hợp nhất), cấp phó có thể cao hơn quy định. Nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu, điều chuyển công tác thì không được bổ sung. Đồng thời, phải điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó tối đa 3 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất. Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm. Kết quả, đến năm 2023, tỉnh giảm 273 cấp phó so năm 2015. Tính trên tổng thể toàn tỉnh thì số lượng cấp phó không vượt quy định.

Trong 851 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, có 49 đơn vị tự chủ tài chính (5,8%). Nhưng nếu tách riêng các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), 48 đơn vị sự nghiệp y tế và sự nghiệp khác của tỉnh đạt tỷ lệ tự chủ trên 30%, vượt xa mục tiêu Trung ương đặt ra.

Mới chỉ giảm cơ học

Đó là nhận định, đánh giá chung của các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW. Một số ít cán bộ, công chức, viên chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trình độ chưa đảm bảo vị trí việc làm, nhưng chưa chủ động tinh giản biên chế. “Phần lớn đối tượng tinh giản biên chế thời gian qua là nghỉ hưu; dôi dư do sắp xếp lại đơn vị… Trong đánh giá viên chức hàng năm, còn ngại va chạm, nể nang, đánh giá chưa chính xác, thực chất, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thực trạng này dẫn đến việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế gặp khó” - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Trường Sơn cho biết.

 

Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao

 

Giai đoạn 2015 - 2023, lĩnh vực thông tin và truyền thông dẫn đầu với tỷ lệ giảm hơn 78% đơn vị; kế tiếp là lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (gần 73%). Thấp nhất là lĩnh vực khoa học - công nghệ (33,3%), GD&ĐT (5,7%). Lĩnh vực GD&ĐT tiếp tục “nằm chót” khi chỉ có 1 đơn vị tự chủ tài chính (0,1%), sau đó là y tế (27,2%).

Trường Cao đẳng Nghề An Giang sáp nhập 6 khoa thành 3 khoa, giảm 3 đơn vị trực thuộc. Đồng thời, giảm 138 biên chế (đạt gần 39%). Nhìn chung, việc tổ chức lại giúp nhà trường phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng phòng, khoa, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ, thừa, thiếu nhân sự cục bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, phát huy hiệu quả công tác. Tuy vậy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang Nguyễn Thanh Hải nhận định: “Quy định giảm 10% biên chế đối với tất cả cơ quan, đơn vị chưa thật sự phù hợp, còn mang tính cơ học đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do vướng quy định pháp luật chuyên ngành. Một số ít viên chức, người lao động có tâm lý hoang mang, chưa ổn định khi phải thay đổi sang vị trí việc làm khác. Quá trình giải quyết vấn đề tài chính sau tổ chức lại gặp nhiều khó khăn, do mức độ tự chủ của đơn vị thấp, nguồn thu sự nghiệp khiêm tốn, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước”.

Việc tổ chức lại bộ máy gây khó khăn về cơ chế, chính sách còn là tình trạng chung của toàn tỉnh. Đó là do bộ, ngành chưa ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi tổ chức lại; hướng dẫn tổ chức, hoạt động trong điều kiện mới. Ngoài ra, một số đơn vị sau sáp nhập, giải thể, giảm đầu mối dẫn đến dư số lượng cấp phó, “đau đầu” bố trí công tác cho cán bộ, viên chức.

An Giang chưa triển khai thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở hợp nhất trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm chăn nuôi và thú y, trạm khuyến nông, tổ thủy sản. Nguyên nhân nằm ở chỗ, bộ, ngành Trung ương chưa hướng dẫn xác định rõ loại hình tổ chức (tổ chức hành chính hay đơn vị sự nghiệp) cho các đơn vị này. Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác mới nằm trong Đề án 05-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chưa thực hiện được trên thực tế.

Không “cào bằng” mục tiêu 

Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc) được xây dựng quy mô ban đầu 500 giường kế hoạch. Hiện tại, số lượng giường kế hoạch đã tăng lên 850 giường, còn thực kê 1.000 giường. Kết cấu công trình không đủ đáp ứng cho lượng bệnh nội trú thường xuyên (trên 800 bệnh nhân). “Nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng về số lượng, sâu về chuyên môn; yêu cầu, nhiệm vụ có nhiều phát triển. Trong khi đó, bệnh viện phải tự chủ tài chính, thiếu nhân viên y tế thiếu, trong khi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đồng đều. Năm 2021, bệnh viện đề nghị tinh giản 8 viên chức. Năm 2023, đề nghị tinh giản 2 viên chức, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc chưa đảm bảo định mức theo Thông tư 03/2023/TT-BYT, ngày 17/2/2023 của Bộ Y tế. Một số khoa, phòng còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ. Một bộ phận viên chức lớn tuổi có tâm lý làm việc cầm chừng chờ nghỉ hưu, giảm tính cống hiến cho đơn vị” - BS.CKII Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh chia sẻ.

 

 

“Đến hết ngày 31/12/2023, toàn ngành y tế giảm 24 đơn vị sự nghiệp công lập so năm 2015. Một số đơn vị gặp khó khăn khi giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách, do không có nguồn thu, hoặc có nguồn thu nhưng chiếm tỷ lệ thấp (dưới 10%). Đơn vị phải cắt giảm số người làm việc dư ra so biên chế giao, dẫn đến thiếu nhân sự làm việc theo định mức tối thiểu theo Thông tư 03/2023/TT-BYT. Vẫn còn chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ vùng sâu, vùng xa đến trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư…” - TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế thông tin.

Lĩnh vực GD&ĐT có số đơn vị sự nghiệp công lập và số lượng người làm việc đông nhất tỉnh (81,6% và 78,6%). Các đơn vị không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp (nhất là giáo dục phổ thông và mầm non). Vì vậy, việc giảm bình quân 10% đơn vị sự nghiệp, chuyển biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang nguồn thu sự nghiệp đối với ngành là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Thời gian tới, số lượng học sinh gia tăng, “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; cùng chủ trương xã hội hóa và đẩy mạnh tự chủ tài chính càng tạo áp lực cho ngành.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Kim Bình chia sẻ: “Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra chủ trương rất đúng, tháo gỡ khó khăn chung cho đơn vị sự nghiệp công lập. Thế nhưng, riêng quy định sắp xếp, tinh giản biên chế lĩnh vực GD&ĐT, y tế có điểm chưa hợp lý. Biên chế sự nghiệp y tế được tính theo giường bệnh, dân số; còn biên chế sự nghiệp giáo dục được tính theo số lượng học sinh, lớp học. An Giang là tỉnh có đông dân số. Thiết nghĩ, Bộ Nội vụ cần phối hợp Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp, tinh giản biên chế trong lĩnh vực này; không “cào bằng” việc tinh giản giữa các địa phương, vùng miền, ngành, lĩnh vực; tách riêng lĩnh vực GD&ĐT để có giải pháp tinh giản phù hợp. Trước mắt, Sở Nội vụ hướng dẫn ngành GD&ĐT tỉnh tự rà soát, sắp xếp lượng giáo viên thừa, thiếu cục bộ, giải quyết khó khăn tạm thời theo từng năm học”.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới