“Tiếp lửa” nghề làm đầu lân - sư - rồng

15/10/2024 17:56

Nguyễn Phan Huy Hoàng (sinh năm 1998, ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân), một chàng trai 9X có niềm đam mê mãnh liệt nghệ thuật lân - sư - rồng. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Hoàng đã tự thân vận động, phát triển và tiếp lửa truyền thống nghề lân - sư - rồng tại địa phương. Những đầu lân, rồng do anh làm ra đã vươn mình khắp nơi trong và ngoài tỉnh, tạo được ấn tượng mạnh mẽ với nhiều khách hàng.

Hoàng cho biết, từ nhỏ, bản thân đã đam mê múa lân và khao khát tự tay mình làm ra những chiếc đầu lân riêng, mang dấu ấn cá nhân. Dù là chủ tiệm hớt tóc, nhưng khi có thời gian rảnh, anh lại ra sân đình tập luyện múa lân và tham gia biểu diễn những dịp lễ hội đình làng, lễ, Tết. Ngọn lửa đam mê ấy dần thôi thúc Hoàng đến với nghề làm đầu lân, rồng như hiện nay. “Những đầu lân, rồng của đoàn sau một thời gian sử dụng hay bị hư hỏng, lúc đó, tìm thợ sửa rất khó, chi phí cũng khá cao. Vì vậy, tôi đã tự mày mò, học hỏi cách làm đầu lân, rồng” - chàng trai trẻ bộc bạch.

Ban đầu, Hoàng bỏ tiền túi của mình tìm mua những đầu lân, rồng cũ về tìm hiểu kỹ thuật lắp ráp. Hoàng đã tháo từng chiếc đầu lân, rồng, ghi nhớ lại cách sắp xếp, lắp đặt khung xương và từng chi tiết nhỏ nhất để tạo ra chiếc đầu lân, rồng hoàn chỉnh. Người ngoài nhìn vào, cho rằng đó là việc vô bổ, nhưng Hoàng vẫn quyết tâm học hỏi cho bằng được. Sau nhiều tháng tự tìm tòi, học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Hoàng đã tự tin với việc làm ra chiếc đầu lân cơ bản.

 

Đầu lân, rồng do cơ sở Huy Hoàng tạo ra được nhiều khách hàng ưa chuộng

 

“Năm 2023, tôi thành lập Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Kỳ Anh (nay là Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Đình thần Bình Thạnh Đông), với khoảng 30 người tham gia, đa phần đều là các em 15 - 16 tuổi sống trên địa bàn xã, cùng chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật lân - sư - rồng. Khi mới thành lập, hoạt động của đoàn gặp nhiều khó khăn, bởi loại hình này rất mới tại địa phương, nhiều gia đình không cho con em tham gia, chi phí đầu tư lớn và phải mua tất cả, việc tiếp cận để mời đoàn diễn tại địa phương còn hạn chế… Chính vì thế, bản thân tôi phải luôn tự học hỏi, tìm hiểu các kiến thức làm đầu lân, chỉ để phục vụ cho việc đam mê và nhu cầu của đoàn lân. Thấy được nhu cầu của thị trường tương đối tốt, bản thân quyết định làm để cung cấp thị trường với hình thức nhỏ lẻ” - Hoàng chia sẻ.

Đâu chỉ phát triển cho riêng bản thân, Hoàng còn hướng dẫn, dạy nghề làm đầu lân, rồng miễn phí cho các thành viên có năng khiếu, đam mê và chịu khó học hỏi. Theo Hoàng, để hoàn thiện một chiếc đầu lân phải mất 4 - 5 ngày, với nhiều công đoạn: Bẻ sườn bằng chất liệu mây hoặc trúc thành hình khuôn đầu lân, rồng; tiếp đến là dán giấy và lợp vải kim sa lên khuôn để tạo hình; công đoạn kế nữa là sơn vẽ hoa văn, dán họa tiết trang trí cho đầu lân thêm rực rỡ (khảm lông, trang trí các chi tiết mắt lân, mày mi, đường viền) và cuối cùng là trang trí lông vũ.

Mỗi công đoạn đều đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, khéo léo, chỉ cần sai lệch một chi tiết nhỏ cũng coi như chưa đạt chất lượng. Với Hoàng, sản phẩm không đạt chất lượng sẽ không bao giờ bán cho khách hàng, cũng không bán giá rẻ, vì điều đó đồng nghĩa với việc giảm uy tín của mình. Vì vậy, quá trình làm ra một chiếc đầu lân, rồng luôn được tỉ mỉ từng khâu. Khó khăn và phức tạp nhất chính là công đoạn tạo sườn đầu lân, rồng bằng khung mây. Với người rành nghề như Hoàng có thể mất gần 2 ngày mới hoàn thành công đoạn này. Việc trả tiền công cho thợ làm vì vậy cũng khá cao, khoảng 600.000 - 800.000 đồng/bộ khung đầu lân hoặc rồng. Các công đoạn còn lại, tùy vào độ khó, sự khéo léo, tỉ mỉ, Hoàng sẽ trả công người làm từ 70.000 đến hơn 100.000 đồng/sản phẩm.

Với nghề này, Hoàng đã góp phần tạo ra việc làm thường xuyên, ổn định cho khoảng 10 lao động (thanh, thiếu niên tại địa phương) thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Đáng quý hơn, việc làm của chàng trai trẻ đã phần nào tiếp lửa niềm đam mê cho lớp trẻ về nghề làm đầu lân - sư - rồng, để thắp lửa, giữ hồn cho một nghề truyền thống luôn mang lại niềm vui và may mắn cho người người, nhà nhà vào dịp Tết hay các ngày lễ, hội.

Tạo dấu ấn riêng cho những sản phẩm của mình, Hoàng cho biết, đôi mắt các đầu lân, rồng là điểm khác biệt để đánh dấu “thương hiệu”. Vẫn là đôi mắt to, tròn, nhưng sản phẩm của Hoàng làm ra sẽ có đôi mắt hơi xéo lên, tạo sự dũng mãnh cho những con lân, rồng khi biểu diễn. Có tận mắt “mục sở thị” mới thấy nghề này không đơn giản. Để có một đầu lân bắt mắt, sống động và truyền tải được ý niệm người chơi mong muốn, người làm nghề phải chịu khó, kiên nhẫn, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ, vì các khâu đều làm thủ công, từ việc tạo hình đến sơn màu, dán giấy, vẽ, trang trí...

Hoàng cho biết, chủ yếu chỉ sản xuất 3 kích cỡ đầu lân. Đầu lân “mi-ni” dành cho các bé mẫu giáo, cấp I với giá bán dưới 200 nghìn đồng/chiếc; đầu lân cỡ trung dành cho học sinh cấp II, với giá bán khoảng 2 triệu đồng/bộ (gồm đầu, đuôi, 2 chiếc quần); đầu lân cỡ lớn dùng cho biểu diễn với giá từ 5 - 7 triệu đồng/bộ. Ngoài sản xuất lân, còn làm mặt nạ, giày móng, các phụ kiện… phục vụ cho việc múa lân, cung cấp sỉ và lẻ cho khách hàng.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới