Tạm biệt Quý Mão, chào đón Giáp Thìn với nhiều kỳ vọng

06/02/2024 15:18

Năm Quý Mão 2023 cho thấy nỗ lực rất lớn của tỉnh khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,34%, cao nhất trong 11 năm qua. Năm Giáp Thìn 2024, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5 - 8,5%, quyết tâm vượt qua khó khăn để tăng tốc về đích năm 2025. Mục tiêu đó đòi hỏi nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân.

Phát huy điểm sáng tăng trưởng

“Năm 2023 đã khép lại với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng nhìn chung, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị; sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh cơ bản hoàn thành (thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt; riêng tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt 91,88% so chỉ tiêu 92,75%, gần tiệm cận đạt); GRDP đạt 7,34%, cao nhất trong 11 năm trở lại đây” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.

 

 

Điểm nhấn năm 2023 là tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng, như: Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023); Lễ công bố thành lập TX. Tịnh Biên; Hội thảo khoa học quốc tế về “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á”; Lễ khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho rằng, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tập trung rà soát kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu KTXH của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XI để đề ra giải pháp thực hiện thắng lợi trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025; cụ thể hóa nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH năm 2024.

Tập trung triển khai nhiệm vụ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, sau khi tổ chức lễ công bố, tỉnh bắt tay xây dựng ngay kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng để phát triển tỉnh An Giang đúng với tiềm năng, lợi thế và bền vững trong tương lai.

 

 

Bên cạnh thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kết nối tiêu thụ nông sản, An Giang còn chủ động, tích cực tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, nhằm phát huy tối đa thời cơ, lợi thế lúa gạo, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang; tinh gọn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh quan tâm củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới.

 

Doanh nghiệp, báo chí đồng hành

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, kết quả phát triển KTXH của tỉnh năm 2023 có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh. Nếu như DN nỗ lực sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đóng góp tích cực cho ngân sách và công tác an sinh xã hội thì các cơ quan báo chí đã kịp thời chuyển tải những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp rất kịp thời, nhanh chóng, thông suốt từ tỉnh đến tận cơ sở. Đồng thời, thường xuyên phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp thu, ghi nhận, có những giải pháp xử lý, góp phần giúp công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành được hiệu lực, hiệu quả hơn. Báo chí còn thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin của DN, người dân.

“Trong quá trình lãnh, chỉ đạo phát triển KTXH, lãnh đạo tỉnh luôn coi trọng vai trò của các cơ quan báo chí. Năm 2024, An Giang mong muốn các nhà báo, phóng viên của cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, là cầu nối tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng vươn lên để phát triển tỉnh nhà. Đồng thời, tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút các nguồn lực đầu tư; phản biện, đóng góp trên tinh thần xây dựng đối với vấn đề bất cập trong cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao để tỉnh điều chỉnh kịp thời” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới