Sản xuất chén, dĩa từ lục bình
28/10/2024 09:32
Nhận thức rõ vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là các sản phẩm dùng một lần, Trần Ngọc Thuận (sinh năm 1996, ngụ ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên) đã trăn trở tìm kiếm giải pháp. Với dự án “Sản xuất chén, dĩa dùng một lần từ giấy lục bình”, Thuận đã xuất sắc đạt giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh An Giang lần thứ VIII/2024.
Trần Ngọc Thuận với dự án “Sản xuất chén, dĩa dùng một lần từ giấy lục bình”
Hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang rất được nhiều người sử dụng trong và ngoài nước quan tâm. Trong đó, có các sản phẩm chén, dĩa dùng một lần làm từ nhiều vật liệu tự nhiên, như: Bẹ chuối, bã mía, mo cau, lá bàng biển... “Trong quá trình sản xuất sợi lục bình khô (làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ), tôi phát hiện có rất nhiều phế phẩm từ sợi lục bình khô không được sử dụng mà bỏ đi. Điều này gây thất thoát và ảnh hưởng đến doanh thu của cơ sở. Quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, tôi đã áp dụng được quy trình sử dụng các phế phẩm sợi lục bình để tạo ra giấy lục bình và sản xuất ra các sản phẩm chén, dĩa dùng một lần từ nguyên liệu này” - Thuận cho biết.
Lục bình (còn gọi là bèo tây) là loài cây thủy sinh phát triển nhanh chóng, gây tắc nghẽn kênh, rạch. Thay vì để loại cây này trở thành gánh nặng cho môi trường, Thuận quyết định biến nó thành một nguồn tài nguyên quý giá - sản xuất giấy. “Ngày nay, nhiều người ưa chuộng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Vì thế, đây cũng là lợi thế rất lớn để tôi thực hiện dự án sản xuất chén, dĩa dùng một lần từ giấy lục bình. Theo đó, nguyên liệu giấy từ lục bình để sản xuất ra chén, dĩa dùng một lần có ưu điểm hơn các nguyên liệu khác, do có thể ứng dụng phế phẩm từ lục bình khô, kể cả lục bình tươi để tạo ra giấy. Đặc biệt, lượng nguyên liệu dồi dào cũng là lợi thế khi triển khai dự án này” - Thuận chia sẻ.
Để biến lục bình thành những chiếc chén, dĩa, Thuận đã trải qua một quy trình sản xuất tỉ mỉ. Trước tiên là thu gom lục bình trên các dòng sông, kênh, rạch, sau đó làm sạch, loại bỏ tạp chất và nghiền nhỏ. Phế phẩm lục bình được nghiền thành bột mịn, phải đảm bảo còn nguyên vẹn, không mục. Tiếp đến là nấu bột lục bình để tách thành phần hữu cơ. Khi nấu phải đạt được nhiệt độ từ 1000C - 1300C. Nấu xong, bột lục bình được được cho vào khuôn có sẵn và ép tách nước, lưu ý bột phải được cán điều vào khuôn với độ dày nhất định. Tiếp đến là công đoạn sấy khô giấy lục bình: Giấy lục bình được đưa vào máy sấy với nhiệt độ từ 500C - 800C. Sau cùng là ép chén, dĩa lục bình. Giấy lục bình được đưa vào máy ép nhiệt để định hình sản phẩm. Máy ép phải được thiết kế chuyên dụng và đảm bảo nhiệt độ nhất định, tránh gây sạm màu khi ép.
Trải qua 3 năm nghiên cứu, sản phẩm chén, dĩa làm từ lục bình của Thuận được định hình. Song, do làm hoàn toàn từ thủ công ở các công đoạn, nên độ nén và liên kết của chén, dĩa từ lục bình chưa cao. Chàng trai trẻ vùng Thất Sơn đang tìm kiếm vốn đầu tư, xây dựng hệ thống làm sản phẩm hoàn toàn bằng công nghệ để ra mắt thị trường trong thời gian sớm nhất. Để vượt qua những khó khăn này, Thuận đã tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân quan tâm đến môi trường. Đồng thời, anh cũng không ngừng cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mục đích giảm giá thành.
Cho chúng tôi xem sản phẩm của mình, Thuận không ngại bày tỏ: “Ngoài các ưu điểm, sản phẩm giấy từ lục bình cũng có nhược điểm do sản xuất hoàn toàn tự nhiên, nên không có khả năng chống nước, chỉ sử dụng để đựng các thực phẩm khô, hạn chế tính đa dạng trong ứng dụng. Để tối ưu hóa chất lượng sản phẩm, có thể đựng được thực phẩm có nước, tôi đã thử sử dụng một số hóa chất dùng trong công nghiệp giấy với hàm lượng cho phép, để đảm bảo sức khỏe người sử dụng và đã thành công”.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!