Qua cồn ngày giáp Tết
22/01/2025 15:21
Sáng cuối năm, gió Đông thổi mạnh, tiếng lá trên cây khua xào xạc. Người dân ở cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) ngồi khúm núm trước hiên nhà trốn cái lạnh ngày giáp Tết. Bên cồn khí hậu mát mẻ, nhưng ngặt nổi khi trời trở gió làm cho hoạt động khai thác cá trên sông tạm thời gián đoạn.
Cồn Phó Ba
Xóm cồn bình dị
Tiếng máy nổ phành phạch phụt khói đẩy chiếc ghe gỗ tròng trành chở chúng tôi qua cồn Phó Ba. Ông lái đò còm nhom ôm chiếc vô-lăng run cầm cập nói giọng gượng gạo: “Mấy nay tiết trời trở lạnh đột ngột, lạnh quá chú em ơi”!
Đò vừa cập bến, chúng tôi bắt đầu hành trình rong chơi bên cồn. Con đường nhựa nhỏ dẫn chúng tôi ngang qua xóm nhà sàn vượt lũ, bà con quây quần bên nhau hàn huyên vào buổi sáng sớm rôm rả. Thi thoảng gặp những chiếc xe đẩy chất đủ thứ đồ nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Dừng xe lại chụp ảnh, chị em phụ nữ cười khúc khích bắt chuyện hỏi han: “Chú ở đâu qua cồn này?”. Chúng tôi nói vui: “Em bên Long Xuyên qua xem đám giỗ bên cồn” thì ai cũng cười sặc sụa, vì mấy nay trên mạng xã hội đang “hot trend” clip “Đám giỗ bên cồn”, ai cũng biết.
Cồn Phó Ba tuy gần chợ Long Xuyên, nhưng nằm thoi loi giữa dòng sông Hậu, người dân muốn qua sông đi chợ phải “lụy đò”. Nắm bắt nhu cầu của bà con, nhiều chị mua rau, củ, thịt, chất lên chiếc xe đẩy phục vụ bà con. Cô Năm Hạnh (60 tuổi), với 20 năm đẩy “chợ di động” rao bán khắp xóm nói rằng, người dân ở đây ít đi chợ, do sang sông bất tiện. Hàng ngày, họ đợi xe đẩy này mua mớ rau, ký thịt để nấu cơm sớm tranh thủ ra sông chày cá.
Xóm có vài quán nước, người dân bán kèm các món ăn sáng, như: Bún, cháo lòng, cơm tấm, xôi. Mỗi khi họ cất tiếng rao ngọt như mía lùi, những đứa trẻ bu đông ăn hàng. Nhìn khung cảnh này, chúng tôi nhớ lại ký ức một thời trẻ con, mình cũng có hình ảnh tương tự như vậy. “Tôi bán xôi vò, xôi đậu, mỗi gói 5.000 đồng. Tính đến nay, tôi có hơn 30 năm bán xôi. Nhờ có nghề này, tôi thu nhập hơn 100.000 đồng, trang trải cuộc sống gia đình” - bà Lài cho hay.
Nghe chuyện đánh bắt cá
Từ lâu, xóm cồn Phó Ba được biết đến là nơi có nhiều “cao thủ” lặn sông đánh bắt cá to. Thậm chí, họ còn đảm nhận trục vớt ghe tàu chìm sâu dưới dòng nước lạnh. Gặp Hai Hoàng (56 tuổi), ngồi co ro trước nhà, tôi hỏi: “Hôm nay không đi lặn sông bắt cá?”. Hai Hoàng run lập cập nói: “Mấy bữa nay gió Đông thổi mạnh, thời tiết lạnh quá lặn không nổi”.
Hai Hoàng là một trong những thợ lặn khét tiếng ở cồn Phó Ba này. Gia đình Hai Hoàng có nhiều anh em, con cháu làm thợ lặn “cự phách” được truyền nghề qua nhiều thế hệ. Quanh năm, Hai Hoàng sống bằng nghề “vạn chài” khai thác cá, tôm trên sông. “Bên cồn không có đất ruộng sản xuất, cha sanh mẹ đẻ sống bằng nghề chài cá, lặn sông sâu. Ngày nào không đi chài cá trên sông, thì cảm thấy rất buồn” - Hai Hoàng tâm sự.
Chạy lên phía trên đầu cồn, gặp chú Năm Tâm (70 tuổi) đang cọ rửa chiếc xuồng tam bản để trét dầu chai. Ở đây, ghe, xuồng đối với bà con là phương tiện thiết yếu trong gia đình, giống như chiếc xe lưu thông trên bờ vậy. Thấy chú Năm Tâm miệt mài chà rửa thân xuồng, chúng tôi hàn huyên để xua tan cái lạnh cuối Đông. Năm nào cũng vậy, hễ hết mùa lũ, chú Năm Tâm lại kéo chiếc xuồng lên bờ “tân trang” lại. Chú kể, ngày trước cồn Phó Ba trải dài đến tận bến phà Trà Ôn. Trải qua biến động của dòng chảy, cồn Phó Ba bị sạt lở mất đất rất nhiều. “Tôi sống trên cồn này đã 4 đời rồi, từ thời ông nội đến cha, rồi tới đời tôi. Hiện nay, con cái tôi cũng đang sinh sống trên cồn này” - chú Năm Tâm nhớ lại.
Nhớ lại mấy chục năm về trước, chú Năm Tâm kể: “Trước đây, gia đình sống chủ yếu bằng nghề chài, lưới. Hồi đó, cá nhiều vô kể, mỗi khi lũ về tôi chài rê dính toàn cá bự. Riêng cá linh, cá chốt, cá thiểu… cho không ai thèm ăn, chủ yếu ủ nước mắm”. Ngày đó, chú Năm Tâm từng chạm trán với loài cá hô đất nặng hàng chục ký trên khúc sông Hậu này. “Trong đời làm nghề hạ bạc, tôi bắt dính 2 con cá hô bự, mỗi con nặng hàng chục ký. Loài này, chủ yếu sống ở khúc sông sâu. Hồi đó, khu vực cồn Phó Ba chạy dài xuống đoạn phà An Hòa, nước sâu lắm! Tôi dùng chài rê chụp dính cá hô, khi kéo lên tưởng khúc cây. Sau đó, chúng quẫy đuôi văng nước đùng đùng. Nhiều con mạnh đâm thủng lưới hoài” - chú Năm Tâm tặc lưỡi.
Nghe kể về một thời đã qua của nghề hạ bạc, chú Nguyễn Hữu Tài (75 tuổi, hàng xóm của chú Năm Tâm) đến góp chuyện rôm rả. Chú Tài cũng là người sống ở cồn Phó Ba đời thứ 3. Hơn nửa thế kỷ sống trên cồn, chú Tài cũng chứng kiến biết bao đổi thay, biến động tại xứ sở yên bình này. Thời trai tráng, chú Tài từng sống bằng nghề hạ bạc đánh bắt cá theo miệng “thủy thần”. Chỉ tay về đoạn gần bờ Mỹ Hòa Hưng, chú Tài quả quyết, hồi trước chỗ này chưa bồi, nước sâu lắm! chú từng bắt dính cá hô 50 - 60kg.
Ngồi lân la xứ cồn, chúng tôi nghe bà con kể nhiều câu chuyện thú vị. Rồi chuyện làm ăn đến chuyện đón Tết cũng rộn ràng không kém. Cô Thu cho hay, cận Tết, những đứa con xa xứ về đông chật. Những chiếc đò cập bến tấp nập đón đưa người con xa quê về cồn đón Tết. Ba ngày Tết, họ vui vầy, tiệc tùng, ca hát đón Xuân vui tươi giữa dòng sông Hậu.
Mặc dù bên cồn “cách trở đò giang”, nhưng điện, nước đã được đầu tư đầy đủ. Giờ đây, cuộc sống của họ tuy không giàu, nhưng khởi sắc hơn trước. Nhà nào cũng chí thú làm ăn với đủ thứ nghề, từ lặn sông bắt cá, bán buôn, chạy đò, đến ly hương làm công nhân. Khi Xuân về, họ trở lại quê quây quần bên nhau ăn Tết rộn ràng.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Mảnh đất giàu lòng nhân ái
Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Nhiều hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho nhân dân
Lưu giữ bức tranh văn hóa đa sắc
Châu Đốc kiến tạo tương lai
Học tập Bác chăm lo đời sống Nhân dân
Ngồi tù vì hám lợi
An Giang họp Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
Giữ gìn nét văn hóa ngày Xuân
Cuộc thi “Tinkering with Tech - Khám phá công nghệ” sử dụng micro:bit