“Ký ức chiến thắng – Hành trình an sinh”
07/05/2025 07:36
Tháng 5/2025, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) An Giang tổ chức Tháng BHXH toàn dân với chủ đề “Ký ức chiến thắng - Hành trình an sinh” kết hợp chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Phóng viên Báo An Giang trao đổi với Phó Giám đốc Quản lý, điều hành BHXH An Giang Lê Chí Thành về chiến dịch này.
Phó Giám đốc Quản lý, điều hành Bảo hiểm Xã hội An Giang Lê Chí Thành
P.V: Thưa ông, vì sao Tháng BHXH toàn dân năm nay lại lựa chọn chủ đề "Ký ức chiến thắng - Hành trình an sinh"?
Ông Lê Chí Thành: Chủ đề năm nay được lựa chọn nhằm kết nối tinh thần hào hùng của Ngày Giải phóng miền Nam với nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong xây dựng hệ thống an sinh bền vững. Chúng tôi muốn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết và lan tỏa thông điệp: Chính sách BHXH chính là sự tiếp nối lý tưởng cách mạng - chăm lo cho cuộc sống của Nhân dân.
Việc lồng ghép tuyên truyền chính sách BHXH với kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước giúp ôn lại truyền thống lịch sử, nhất là với thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp tục gánh vác trọng trách bảo vệ và phát triển đất nước. Đồng thời, truyền thông tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) - 2 chính sách xã hội quan trọng, trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
P.V: Ông có thể chia sẻ những điểm nhấn chính trong Tháng BHXH toàn dân 2025?
Ông Lê Chí Thành: Chúng tôi xác định 3 hoạt động chính. Nổi bật là tổ chức lễ phát động ra quân đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở vào ngày 5/5, kết hợp phát động phong trào thi đua, truyền thông lưu động tại huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức Ngày hội truyền thông BHXH gắn với tuyên truyền trực quan, tuyên truyền tại chỗ, như: Treo băng rôn, standee, phát thanh trên loa cơ sở, tổ chức hơn 100 hội nghị truyền thông chuyên đề hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể (nông dân, người lao động tự do, phụ nữ, đoàn viên...). Ngoài ra, tổ chức livestream giữa tháng 5 chủ đề “Những điểm mới của Luật BHXH”; phát hành tài liệu, video ngắn, ứng dụng mạng xã hội để tiếp cận giới trẻ, đặc biệt là lao động tự do tại đô thị, vùng nông thôn mới.
P.V: BHXH tỉnh phân công nhiệm vụ thế nào để đảm bảo hoạt động hiệu quả, thưa ông?
Ông Lê Chí Thành: Kế hoạch của chúng tôi nêu rõ từng đầu việc, phân công nhiệm vụ từng phòng, từng cấp. Phòng Truyền thông phụ trách xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ phát động, livestream... Phòng Quản lý thu - Sổ, thẻ chịu trách nhiệm tổng rà soát dữ liệu tiềm năng, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng huyện, đôn đốc thực hiện... BHXH cấp huyện tổ chức ít nhất 2 hội nghị truyền thông chuyên đề, trưng bày standee tại cơ quan... Huy động mạng lưới tuyên truyền cơ sở (tổ dân phố, trưởng ấp, cán bộ hội đoàn) để lan tỏa thông tin.
P.V: Ngành BHXH tỉnh đặt chỉ tiêu và giải pháp gì để đạt kế hoạch đề ra, thưa ông?
Ông Lê Chí Thành: BHXH tỉnh giao chỉ tiêu mỗi huyện, thị, thành phố về BHXH tự nguyện, tăng mới ít nhất 100 người, đóng tiếp tục 300 người; BHYT hộ gia đình, tăng mới 500 người, đáo hạn 6.000 người, riêng huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên là 3.000 người. Đây là những con số đầy thách thức, nhưng ngành quyết tâm thực hiện.
BHXH tỉnh triển khai 4 nhóm giải pháp: Tăng cường truyền thông thuyết phục, gần dân, dễ hiểu, sử dụng cả ngôn ngữ Khmer nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc phối hợp với người có uy tín (giáo cả, sư cả, trụ trì, trưởng khóm, ấp, tổ trưởng tổ dân phố…). Cung cấp dữ liệu tiềm năng cho Tổ chức dịch vụ thu, phân loại để có giải pháp vận động phù hợp. Đồng thời, tặng quà, hỗ trợ mức đóng từ nguồn vận động xã hội hóa; phát động phong trào tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn…
P.V: Tỉnh lồng ghép tuyên truyền những điểm mới của Luật BHXH như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Chí Thành: Một trong những điểm nhấn Tháng BHXH toàn dân năm nay là chúng tôi tích cực tuyên truyền điểm mới của Luật BHXH, có hiệu lực từ 1/7/2025. Cụ thể như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản, mở rộng đối tượng được tham gia, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần…
Đặc biệt, bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, điều này rất có ý nghĩa với phụ nữ lao động tự do. Chúng tôi lên kế hoạch tổ chức livestream chuyên đề “Những điểm mới của Luật BHXH”, đưa nội dung này vào tất cả hội nghị truyền thông tại cấp huyện, xã để giúp người dân hiểu rõ, chủ động tham gia.
P.V: Tỉnh có giải pháp gì để vận động người trẻ vào cuộc hành trình an sinh xã hội?
Ông Lê Chí Thành: Chúng tôi phối hợp Đoàn Thanh niên, trường nghề, trung tâm giới thiệu việc làm để lồng ghép tuyên truyền BHXH trong hội thảo nghề nghiệp, hướng nghiệp. Truyền thông số (video, minigame trên mạng xã hội) để thông điệp “đóng BHXH sớm - nhận lương hưu vững” đến gần hơn với người trẻ.
Tôi mong bà con dành chút thời gian lắng nghe chính sách BHXH. Đây không chỉ là câu chuyện của tuổi già, mà là phương án phòng bị tối ưu cho rủi ro, cho bệnh tật và cả những người thân yêu của chính mình. Mỗi sổ BHXH tự nguyện là một nền móng của an sinh, mỗi tấm thẻ BHYT là một lá chắn cho sức khỏe. Hãy để Tháng BHXH toàn dân không chỉ là tháng hành động của ngành BHXH, mà là tháng mọi người dân An Giang cùng bước vào hành trình an sinh chủ động và bền vững.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
An Giang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Hành trình “5 tốt” của sinh viên Đại học An Giang
Độc đáo “chợ di động”
Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang với hành trình biến ước mơ thành hiện thực
An Giang tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Báu vật văn hóa Nam Bộ trên đường hội nhập di sản thế giới
Xã Cần Đăng “thay da đổi thịt”
Chợ Mới phát triển du lịch
Tiếp nhận, cung cấp nguồn cát cho các dự án giao thông
85 năm tù cho nhóm mua bán ma túy