Phát triển sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch của đồng bào Chăm
05/11/2024 17:53
Duy trì và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm tỉnh An Giang phát triển sản phẩm đặc trưng. Các sản phẩm này đã và đang được du khách gần xa biết đến, tạo điểm nhấn trong việc phát triển du lịch địa phương.
Tỉnh An Giang hiện có 9 làng Chăm, tập trung ở TX. Tân Châu và 3 huyện huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành. Ẩm thực là một trong những điểm nhấn của cộng đồng DTTS Chăm, với cà ri, cơm nị - cà púa, lạp xưởng bò - tung lò mò... Trước đây, thực khách thường mua tung lò mò của các hộ sản xuất nhỏ lẻ tại xã Châu Phong (TX. Tân Châu). Tuy nhiên, sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng... nên người tiêu dùng chưa thật sự an tâm. Hiện nay, tung lò mò được Cơ sở sản xuất - kinh danh lạp xưởng bò Anas nâng tầm theo hướng hiện đại, vừa giữ được hương vị truyền thống.
Ông Hứa Hoàng Vũ (chủ cơ sở Anas) cho biết, để có được sản phẩm chất lượng, nguyên liệu phải là thịt bò tươi. Cơ sở chỉ dùng thịt đùi hoặc thịt bò nạc lóc từ xương, áp dụng công thức tẩm ướp gia vị đặc biệt nên sản phẩm có hương vị đặc trưng. Cơ sở của ông sản xuất 2 loại sản phẩm (lạp xưởng phơi khô và lạp xưởng tươi). Đồng thời, phát triển sản phẩm lò mò PĐăm (khô bò) để đáp ứng nhu cầu của thực khách gần xa.
Bánh Ha-cô được nghệ nhân Rô Phi Á làm mỗi ngày để phục vụ nhu cầu thực khách
Cùng với lạp xưởng bò, bánh bò nướng (Ha-cô) là món ăn nổi tiếng của đồng bào DTTS Chăm xã Châu Phong. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân Rô Phi Á, hương vị độc đáo của bánh Ha-cô càng bay xa. Đặc biệt, đây là món bánh đoạt giải vàng tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX/2022, được tổ chức tại TP. Cần Thơ. Bánh có sự khác biệt với bánh bò của người DTTS Khmer và người Kinh, từ cách pha chế bột, gia vị đến chế biến. Nghệ nhân Rô Phi Á cho biết, nguyên liệu chính làm nên món bánh này gồm trái thốt nốt già, bột gạo, nước cốt dừa, đường... Gạo đem ngâm nước cho mềm rồi xay nhuyễn thành bột gạo, đem ủ hỗn hợp với đường, nước từ thịt trái thốt nốt.
Sau thời gian ủ, bột được đổ vào những chiếc chảo nhỏ, nướng trên lửa than. Nghệ nhân Rô Phi Á đồng thời đặt than nóng trên nắp chảo, bánh chín vàng đều rất hấp dẫn… “Bánh bò Ha-cô là món ăn truyền thống của người DTTS Chăm, được sử dụng phổ biến trong dịp lễ hội, đám cưới, ăn hỏi. Thời gian gần đây, món ăn này được nhiều du khách biết đến nên hầu như tôi làm mỗi ngày” - nghệ nhân Rô Phi Á chia sẻ.
Ngoài ẩm thực, sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Chăm An Giang cũng là điểm nhấn trong phát triển du lịch địa phương. Hiện tại, làng Chăm Châu Phong (xã Châu Phong) và làng Chăm Đa Phước (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) là 2 địa điểm còn duy trì, phát triển nghề truyền thống này. Ông Mohamad (xã Châu Phong) cho biết, nghề dệt thổ cẩm của địa phương được hình thành cách đây trên 80 năm. Ngày trước, các hộ trong cộng đồng sản xuất để phục vụ nhu cầu của gia đình, đồng thời trao đổi hàng hóa với các dân tộc khác. Có thời điểm, nghề này tưởng chừng bị mai một do không tìm được đầu ra. Hiện nay, với sự phát triển của du lịch, sản phẩm dệt thổ cẩm được du khách gần xa biết đến.
Sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm được thị trường đón nhận
Để đáp ứng nhu cầu du khách, Cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong của ông Mohamad nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm độc đáo. Ngoài xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất thêm túi xách, ba-lô, nón, móc khóa… Đặc biệt, ông Mohamad phục dựng “phòng cưới” truyền thống của đồng bào DTTS Chăm để du khách trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm. Nhân cơ hội này, ông Mohamad giới thiệu về nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương. Ông còn liên kết với một số đầu bếp, phục vụ món ăn truyền thống khi du khách yêu cầu. Sự đổi mới, sáng tạo này đã thu hút một lượng lớn du khách đến với làng nghề.
Ngoài ra, đồng bào DTTS Chăm ở Châu Phong còn duy trì nghề thêu khăn Maspok. Đây là sản phẩm không thể thiếu khi phụ nữ Chăm dự nghi lễ, tiệc quan trọng. Sản phẩm được cung ứng cho xóm Chăm Vĩnh Trường, Khánh Hòa, Nhơn Hội, Đa Phước… và cả ở nước ngoài.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đồng bào DTTS Chăm An Giang vẫn bảo lưu được giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của mình. Với những giá trị văn hóa độc đáo, các làng Chăm đang thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, nhất là khách du lịch quốc tế.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!