Nuôi rồng Nam Mỹ
12/02/2024 17:04
Từ niềm yêu thích đối với rồng Nam Mỹ (Iguana) - loài bò sát thuộc họ Cự Đà có hình dáng đậm nét hoang dã, nhiều thanh niên tại An Giang đã gầy dựng cho mình những “trại rồng” Nam Mỹ để thỏa đam mê hoặc phát triển kinh tế. Đồng thời, thành lập nhóm (group) những người có cùng sở thích đối với rồng Nam Mỹ để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
Nhiều con vật độc, lạ được các thành viên Câu lạc bộ bò sát An Giang mang đến các buổi họp mặt phục vụ người đến vui chơi
Những “trại rồng” hình thành từ đam mê
Là một trong những người nuôi rồng Nam Mỹ vào giai đoạn loài bò sát này còn chưa phổ biến nhiều trên địa bàn tỉnh, anh Nguyễn Lý Hoàng Sang (sinh năm 1991, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã xây dựng “trại rồng”, vừa thỏa đam mê, vừa góp phần phát triển kinh tế.
Kể về cái “duyên” đến với những con “thú cưng” của mình, anh Sang chia sẻ: “Niềm đam mê rồng Nam Mỹ đến với tôi rất tình cờ, có một lần tôi nhìn thấy người ta bế một con rồng Nam Mỹ, tôi nghĩ đó là con kỳ nhông, kỳ đà to. Sau khi trò chuyện cùng chủ nhân, mới biết đó là rồng Nam Mỹ, tôi thấy lạ nên tìm mua một cặp về nuôi.
Rồng nuôi được khoảng 2 năm tuổi là sinh sản, thời điểm sinh sản của chúng bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 1 (âm lịch) hàng năm, mỗi con đẻ từ 40 - 50 trứng, trứng rồng ấp khoảng 3 tháng thì nở. Khi nắm rõ quy trình ấp trứng, số lượng trứng rồng được ấp thành công đạt khoảng 80%”.
Cùng sở thích đối với rồng Nam Mỹ, những năm gần đây, bạn Trần Văn Đức (sinh năm 2000, ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã gầy dựng cho mình một “trại rồng” với khoảng hơn 50 con trưởng thành. Nguồn thu từ loại “thú cưng” này mang về cho Đức bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.
Trần Văn Đức cho biết: “Rồng Nam Mỹ khá dễ nuôi, thức ăn của chúng chủ yếu là rau, củ cắt nhỏ, có thể trộn thêm men tiêu hóa để chúng phát triển. Đặc biệt, rồng Nam Mỹ rất cần hấp thụ ánh nắng để sinh trưởng, do đó chuồng nuôi phải đặt ở nơi có đủ ánh sáng”. Hiện, rồng Nam Mỹ ở “trại rồng” của Đức có khá nhiều màu sắc, như: Đỏ, vàng, xanh, xanh xám, bạch tạng… có thể phục vụ đa dạng nhu cầu của người có cùng đam mê.
Các thành viên Câu lạc bộ bò sát An Giang hướng dẫn người đến xem cách bế các con vật để chụp ảnh
Xua tan “nỗi sợ” với rồng Nam Mỹ
Mặc dù rồng Nam Mỹ đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh khá lâu, nhưng đối với nhiều người chúng vẫn là con vật khá lạ và có phần đáng sợ do mang hình dáng “rất ngầu”. Với mong muốn tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận để hiểu và có cách nhìn gần gũi hơn với rồng Nam Mỹ, Câu lạc bộ (CLB) bò sát An Giang đã nhiều lần tổ chức các buổi họp mặt, gặp gỡ quy mô để mọi người biết hoặc chưa biết về rồng Nam Mỹ được trực tiếp đến tham gia, trải nghiệm tự mình ôm rồng Nam Mỹ, chơi cùng và chụp ảnh.
CLB bò sát An Giang do anh Đào Bình Nghĩa (ngụ TP. Long Xuyên) và anh Nguyễn Lý Hoàng Sang cùng là quản lý nhóm thành viên. CLB được thành lập vào năm 2017, với mục đích tạo lập nhóm những người có cùng đam mê để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức chăm sóc rồng Nam Mỹ, cũng như thông tin về rồng Nam Mỹ có màu mới xuất hiện trên thị trường cho người có sở thích nuôi rồng sưu tầm. Hiện nay, CLB bò sát An Giang có khoảng 200 thành viên nuôi rồng Nam Mỹ và các loài bò sát khác. Ngoài ra, có gần 2.000 thành viên tham gia nhóm vì cùng sở thích, muốn tìm hiểu về các loài bò sát.
Là một trong những thành viên chính, gắn bó suốt 6 năm qua với CLB, anh Hoàng Sang cho biết: “Nhìn bề ngoài những con rồng Nam Mỹ có hình dáng “ngầu” vậy thôi, nhưng chúng rất hiền lành, chỉ ăn rau. Vì cùng chung sở thích nên chúng tôi lập CLB để giao lưu và lan tỏa đến mọi người những nét “đáng yêu” của rồng Nam Mỹ”.
Ngoài việc chia sẻ với nhau về những thông tin liên quan cách chăm sóc rồng Nam Mỹ theo hướng phát triển kinh tế hoặc cách chăm sóc rồng để có hình dáng đẹp làm thú cưng, CLB bò sát An Giang còn tổ chức họp mặt các thành viên vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 (âm lịch) hàng năm, khi rồng Nam Mỹ vào giai đoạn sinh sản, nở trứng.
Đặc biệt, trong năm CLB sẽ tổ chức từ 1 - 2 lần họp mặt mở rộng, để người không phải là thành viên của nhóm cùng đến xem những loài bò sát độc, lạ do các thành viên của CLB mang đến. Anh Hoàng Sang chia sẻ: “Vào mỗi đợt họp mặt mở rộng, chúng tôi đều thông báo rộng rãi trên mạng xã hội về địa điểm, thời gian để mọi người biết, cùng đến vui chơi. Thường mỗi đợt tổ chức như vậy thu hút vài trăm người đến xem, bao gồm người lớn và trẻ nhỏ.
Tại buổi họp mặt có bố trí rồng Nam Mỹ và các loài bò sát khác để mọi người được tận tay sờ vào và được hướng dẫn cách bế chúng để chụp ảnh. Qua nhiều lần tổ chức, chúng tôi nhận thấy các em nhỏ và cả người lớn ở lần đầu tiếp xúc với rồng Nam Mỹ còn e dè, nhưng khi được sờ và bế chúng thì rất thích. Các thành viên CLB mong muốn, thông qua hoạt động, mọi người sẽ xua đi “nỗi sợ” vì vẻ ngoài của rồng Nam Mỹ”.
Rồng Nam Mỹ có hình dáng “rất ngầu” nhưng lại khá lành tính
Từng đưa con trai đến tham gia hoạt động do CLB bò sát An Giang tổ chức tại một quán cà-phê ở TP. Long Xuyên, chị Lê Nguyễn Hà Trang (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết: “Trước kia, tôi biết đến rồng Nam Mỹ qua thông tin trên Internet, tôi thấy sợ vì hình dáng của nó.
Có một lần con trai tôi thấy trên Facebook thông báo CLB bò sát An Giang tổ chức cho mọi người được tiếp cận rồng Nam Mỹ, bé muốn đi xem, tôi chiều con nên đưa cháu đến. Được chơi với rồng Nam Mỹ cháu thích thú vô cùng, còn thúc giục tôi sờ thử rồng Nam Mỹ, muốn con vui nên tôi cố gắng làm theo. Thật sự khi tiếp cận với chúng, mới thấy không đáng sợ như mình nghĩ”.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa