Nông dân “chân đất” giàu lòng thiện nguyện

24/04/2025 13:28

Nhiều năm qua, nông dân “chân đất” ở xã Vĩnh Thành (huyện Châu Thành) chung tay cùng địa phương xóa nhà tạm, dột nát, viết tiếp câu chuyện đẹp giữa đời thường ở vùng thôn quê.

Các chú đổ cột bê-tông

 

Hì hục trộn đổ bê-tông

Trưa nắng gắt, tôi men theo con lộ nhựa cặp rạch Long Xuyên chạy sâu vào vùng trong hẻo lánh. Qua xã Mỹ Khánh anh hùng được vài cây số, chúng tôi bắt gặp hàng chục lão nông hì hục xúc cát, đá, xi-măng đổ vào chiếc cối xay để trộn bê-tông, âm thanh phát ra lào xào làm náo nhiệt cả vùng quê. Thấy các chú đổ từng trụ cột bê-tông, tôi tưởng làm để bán. Khi hỏi mỗi cây bao nhiêu tiền, các chú cười tươi: “Những trụ, cột bê-tông này đều dành tặng cho người nghèo trong huyện Châu Thành để cất nhà kiên cố đó chú em!”. Thật ngạc nhiên, ở vùng hẻo lánh vậy mà những lão nông tri điền bỏ công sức ra đổ trụ bê-tông chắc chắn tặng miễn phí cho bà con nghèo!

Từng mẻ bê-tông tiếp tục được đổ vào khuôn, các chú nhanh tay cầm chiếc bay, cán đều cho bằng phẳng. Tuy là nông dân sống bằng nghề làm ruộng, trồng vườn, nhưng các chú rất rành công thức phối trộn bê-tông giống như thợ xây chuyên nghiệp. Bước vào bên trong căn nhà, chúng tôi thấy từng cuộn thép, máy cắt, máy trộn bê-tông ở đó, giống như một xưởng sản xuất thu nhỏ. Các chú cho biết, nơi đây là Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành, được thành lập từ năm 2014. Hàng năm, hội được địa phương vận động, cấp kinh phí khoảng 100 triệu đồng, duy trì mua sắm vật tư đổ cột bê-tông tặng cho bà con nghèo.

Ngồi nghỉ xả hơi bên ghế đá, chú Lê Thanh Tài (Bảy Tài, 78 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Mái ấm tình thương) trò chuyện với chúng tôi rổn rảng. Chú Bảy Tài cho hay, từ khi thành lập đến nay, anh em trong hội đã đổ hàng chục ngàn cột bê-tông, tặng hơn 3.000 bộ cột cho bà con nghèo. “Những năm đầu hoạt động, hội tặng khoảng vài trăm bộ cột bê-tông. Giờ đây, số lượng nhà ở tạm bợ trong huyện giảm dần, chúng tôi mừng lắm!” - chú Bảy Tài cười tươi. Hầu hết, các chú đến đây làm thiện nguyện đều ở độ tuổi cao niên. Chuyện xúc cát, trộn hồ tuy nặng nhọc, nhưng các chú vẫn động viên với nhau chia sẻ khó khăn cùng bà con nghèo.

Tính đến nay, hội hoạt động được 11 năm, duy trì ổn định khoảng 30 người, đa số đều U70, có người U80 cũng tích cực góp sức làm thiện nguyện. Họ đều là nông dân hoặc bà con trong Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Thành. Nhớ lại những năm đầu thành lập hội, chú Bảy Tài kể: “Lúc đó, có khoảng 100 anh, em trong xã và địa bàn lân cận tham gia. Mỗi lần phát động xúc cát, trộn hồ, anh em tập trung đông lắm! Chúng tôi phải huy động các chị ở địa phương đến nấu cơm chay ăn tại chỗ. Mỗi người làm một khâu, nên mỗi năm đổ vài ngàn cột bê-tông là bình thường”.

Làm bằng cái tâm trong sáng

Chú Lê Hữu Ít (69 tuổi) nói rằng, mỗi khi nghe tin có gia đình nào nhà cửa tạm bợ, các chú bàn bạc, xem xét với nhau để tặng đúng người, đúng hộ, không để ai bỏ lại phía sau. Anh em thống nhất với nhau là phải xem xét công khai, khách quan, rồi báo cáo về huyện về nhu cầu nhà ở. Khi huyện cho ý kiến thì hội mới tặng bộ cột cho hộ nghèo, nhằm tránh so bì giữa các gia đình. Nếu hộ nghèo không có tiền mua tole, vật tư thì địa phương và hội sẽ vận động nhà hảo tâm để hoàn thiện căn nhà cho bà con.

Nhiều năm quyết tâm xóa nhà tạm bợ, các chú rất đồng lòng hỗ trợ sức người, vận động kinh phí để đổ cột bê-tông dự trữ. Nhờ việc làm rất ý nghĩa đó mà số nhà tạm bợ trên địa bàn huyện đã giảm dần. Minh chứng cho điều đó, chú Trương Văn Hung (68 tuổi) tự hào nói rằng, hiện nay số lượng cột bê-tông giảm hơn trước rất nhiều. Ban đầu, mỗi tuần hội đổ khoảng 100 cây cột bê-tông, bây giờ giảm xuống còn 37 cây cột/tuần. Thấy nhà tạm bợ của người nghèo được quan tâm xây cất kiên cố, anh em trong hội mừng lây. “Đổ cột bê-tông phải chọn thép tốt tại Nhà máy thép Tiến Bộ (Khu công nghiệp Bình Hòa), cát, đá, xi-măng trộn đạt chất lượng. Mỗi căn nhà trị giá từ 40 - 50 triệu đồng, độ bền khoảng 20 năm, rất chắc chắn, vì vậy bà con sẽ an cư lâu năm” - chú Hung bày tỏ.

Mặc dù đều đã tuổi cao, nhưng họ vẫn nhiệt huyết làm từ thiện. Những ngày không đổ cột bê-tông, các chú rong ruổi khắp nơi tìm “ổ gà", "ổ voi” các tuyến đường để dặm vá, đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông. Chú Bảy Tài nói, anh em vận động chi phí mua nhựa đường về nấu, rồi đi dặm vá khắp nơi. Nghe chỗ nào có “ổ gà”, đường xuống cấp thì các chú mang nhựa đường tới san phẳng, giúp xe cộ bon bon chạy. Không dừng lại ở đó, các chú còn đảm nhận chở xe cứu thương phục vụ vận chuyển bệnh nhân ở địa phương. Mỗi tháng, chiếc xe cứu thương hoạt động liên tục khoảng 30 cuộc, tiền xăng dầu cần đến 4 triệu đồng thì mới đủ chi phí lo cho bà con.

Có thể nói rằng, những chuyến xe cứu thương miễn phí không chỉ giúp nhiều bệnh nhân nghèo vượt qua cơn nguy cấp, mà còn thể hiện rõ tinh thần tương trợ trong cộng đồng. “Hiện nay, điều lo nhất của chúng tôi là thiếu tiền dầu vận chuyển, cần có nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ bà con nghèo vùng quê. Nhiều lúc có bệnh nhân nhờ chở đến các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi phải vận động xin đổ xăng miễn phí tại một số cây xăng quen” - chú Bảy Tài tâm sự.

Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, các chú nông dân luôn hăng hái cùng địa phương xóa nhà tạm, dột nát và làm những việc có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương phát triển.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới