Những ngày giáp Tết

20/01/2025 13:31

Trong những ngày cuối tháng Chạp, không khí đón Xuân rộn ràng khắp nơi. Mọi người tạm gác lại những áp lực cuộc sống để cố gắng vun vén cho gia đình thật ấm cúng đón chào năm mới.

Những khoảnh khắc thanh xuân vào ngày giáp Tết

 

Nhớ Xuân xưa

Trong những ngày giữa tháng Chạp, bất chợt tôi thấy hình ảnh những cậu nhóc phụ người lớn lặt lá mai ngoài ngõ. Khi ấy, trong lòng cũng miên man nhớ về những cái Tết xa xưa. Quên sau được những ngày chớm Xuân năm ấy, đời sống người ta còn nghèo, nhưng cũng cố đón năm mới sao cho tươm tất nhất!

Mới rằm tháng Chạp, người lớn đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình sẽ dọn nhà sớm hay muộn, nhưng chuyện lặt lá mai, thì nhất định phải đồng loạt theo tiết trời. Ngày trước, dân quê thường trồng những cội mai vàng ngoài ngõ. Hồi ấy, người ta thường để mai lớn tự nhiên, có nhiều nhánh nên tán lá um tùm. Với những cây mai “lão”, phải bắc ghế, bắc thang, hì hục lặt lá cả buổi mới xong. Đó là chưa kể những cây mai ngoài vườn cũng phải được “thay áo mới” để góp hương sắc cho mùa Xuân.

Đám con nít hồi ấy rong chơi quanh năm, nhưng tới những ngày giáp Tết cũng bận bịu cùng người lớn. Như anh em tôi, đón ông Táo xong là bắt tay phụ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, đi cắt lá chuối, tuốt dây phơi nắng để mẹ gói bánh. Nhà tôi ngày trước nhỏ xíu, dọn một buổi là xong. Rảnh tay, lại ra nhà nội dọn dẹp. Nhà nội cũng chộn rộn những ngày cuối tháng Chạp, bởi con cháu đông, sẽ tề tựu về lễ gia tiên trong ngày đầu năm, nên công đoạn chuẩn bị rất công phu.

Khi ấy, mỗi người một việc. Phụ nữ thì lo bếp núc, chuẩn bị bánh trái; cánh đàn ông thì dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị củi khô chất sẵn, gánh nước đổ đầy hàng lu to để nấu nướng mấy ngày đầu năm. Năm nào tôi cũng phụ trách lau chùi bộ lư trên bàn thờ ông bà. Bộ lư bằng đồng được ông cố mua hồi những năm 60 của thế kỷ trước. Muốn lư sáng bóng, phải xát chanh vào rồi ngồi chùi cặm cụi đến vài tiếng đồng hồ nó mới trở nên rực rỡ.

Khi căn nhà đã dọn dẹp xong, người ta bắt tay vào trang trí. Nhà nào có điều kiện thì lau dầu bóng, dán thêm mấy câu đối bằng giấy đỏ, mực đen lên những hàng cột lớn. Có người mua hoa ở chợ về để trước nhà cho tươi tắn chào năm mới, có người trồng từ ngoài vườn cũng mang vào để thành hàng rực rỡ. Cách đây chừng 30 năm, chỉ có vạn thọ, cúc vàng là phổ biến nên đi từ đầu trên đến xóm dưới, chỉ thấy có mấy màu sắc như nhau. Dù cách trang trí khác nhau, nhưng mọi công đoạn phải xong vào ngày 28 hay 29 Tết, để đến giao thừa sẽ rước tổ tiên về vui cùng con cháu.

…đến Xuân nay

Theo thời gian, thói quen đón Tết của người Việt cũng dần thay đổi. Người ta mãi miết với công việc cho đến tận những ngày cuối năm. Thay vì lau dọn nhà cửa, những người trẻ hiện nay sẽ phải nhờ cha mẹ, nếu có điều kiện thì thuê dịch vụ. Với kiến trúc của những căn nhà thời nay, chẳng mấy người còn bày bộ lư lên bàn thờ, nên cũng không phải hì hục lau chùi như tôi ngày trước.

Về bánh trái cúng ông bà, nhiều gia đình chọn việc đặt hàng cho tiện. Phần vì đã có nhiều người nhận gói bánh thuê, phần vì cũng không còn thời gian, không đủ khéo léo như các bà, các mẹ ngày trước. Giờ đây, chợ hoa thì ở địa phương nào cũng có, nên người ta cứ ra chợ, chọn những loại mình thích mang về. Không còn là sắc vàng của những chậu vạn thọ, chậu cúc đơn điệu ngày trước, hoa Xuân giờ đây muôn màu, muôn vẻ nên cách trưng bày nhà cửa cũng hiện đại hơn.

Do vật phẩm trang trí nhà cửa dịp Tết cứ đầy ngoài chợ, nên người ta chỉ mất vài ngày là có căn nhà đậm đà không gian Xuân, thay vì phải rục rịch từ giữa tháng Chạp như ngày trước. Với những bạn trẻ chưa đối mặt với gánh nặng công việc, họ dành thời gian những ngày giáp Tết để du xuân, chụp ảnh. Một số bạn cho hay, họ muốn lưu lại khoảnh khắc tươi đẹp của mình giữa mùa Xuân của đất trời, để làm kỷ niệm cho tương lai. Khi mà áp lực cuộc sống chưa thực sự đến, người ta có quyền dành thời gian cho bản thân, cũng nhờ đó mà những tấm ảnh Tết xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Đây cũng là lẽ tất yếu của thời buổi công nghệ số.

Dù bị cuốn theo những chuyến công tác dịp cuối năm, nhưng tôi cố tranh thủ để có thể dọn dẹp nhà cửa. Dù sao, tôi cũng thấy vui vì có thể chăm sóc nơi mình đang sống thật khang trang những ngày Tết đến. Sau những áp lực của cuộc sống hiện đại, người ta cũng cần quay về với mái nhà ấm cúng của mình, để được tận hưởng hạnh phúc bên người thân, rồi thắp nén hương rước ông bà về vui cùng con cháu những ngày đầu năm mới. 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới