Những “bóng hồng” bảo vệ đường biên, mốc quốc giới
13/02/2024 08:06
Nhiều năm nay, hình ảnh gần gũi của các má, các chị ở vùng biên cương sát cánh cùng người lính biên phòng đã trở nên thân thuộc. Thỉnh thoảng, chị em còn vận động nấu cơm, gói bánh tét, đổ bánh xèo… tặng các chiến sĩ. Từng nghĩa cử nhỏ nhưng gửi gắm vào đó là tất cả tâm huyết của họ, nhằm động viên tinh thần cho những người lính áo xanh, góp phần thắt chặt tình quân - dân.
Góp sức giữ bình yên biên giới
Tính đến năm 2023 là tròn 10 năm Tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu, tỉnh An Gianh) ra đời. Tổ có 15 thành viên, chủ yếu ở địa bàn ấp 5, trong đó có nhiều người gắn bó kỳ cựu, đã lên chức bà nhưng rất tích cực với hoạt động.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh Xương Huỳnh Thị Cẩm Tú cho biết, đa số các chị trong tổ theo nghề buôn bán nhỏ, làm thuê. Quá trình sản xuất, làm ăn, họ chú ý theo dõi, báo cáo các vụ việc, hiện tượng lạ, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.
Ngoài các đợt phối hợp lực lượng biên phòng đi tuần tra, các tổ viên thay phiên dọn vệ sinh, phát quang, trồng cây xanh khu vực các cột mốc. Vào dịp lễ, Tết, các chị rủ nhau đổ bánh xèo, gói bánh tét tặng cho chiến sĩ đồn biên phòng. Đặc biệt, giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình rất khó khăn, tổ viên tùy theo khả năng vẫn tiếp sức hỗ trợ, động viên tinh thần các chiến sĩ.
Kỷ niệm nhớ nhất của chị Huỳnh Thị Cẩm Giang là năm 2013, cũng là năm đầu tiên tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới thành lập. Theo chân chiến sĩ biên phòng tuần tra trong mùa nước nổi, có đoạn bị ngập sâu, có đoạn sình bùn lầy lội, dò tìm từng cột mốc rất khó khăn.
Thấy sự vất vả đó, các chị mới thấm thía, càng thương các chiến sĩ, quyết tâm góp sức cho mô hình này. “Vào các đợt sinh hoạt tuyên truyền, chúng tôi thêm hiểu biết về nhiệm vụ phòng, chống mua bán người; các hành vi trái phép, thủ đoạn tội phạm khu vực biên giới; trách nhiệm của công dân tham gia tố giác tội phạm…
Thời gian đầu, nhiều chị không được gia đình ủng hộ, vì cho rằng đây là việc “không công”. Giờ thì khác, người thân cho đến đông đảo bà con đều biết, đồng tình ủng hộ bằng nhiều cách. Chị em chúng tôi tham gia hoàn toàn tự nguyện, đổi lại nhận được rất nhiều điều ý nghĩa từ chút việc nhỏ của mình” - chị Giang chia sẻ.
Buổi sinh hoạt định kỳ của lực lượng biên phòng và Tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới xã Vĩnh Xương
Đường biên giới Vĩnh Xương có chiều dài 6.202m (trong đó có đoạn biên giới dài hơn 700m trên sông), với 8 cột mốc, đã xây dựng Cột mốc Đại 241. Mỗi lần đứng nghiêm chào cột mốc của nước mình, tất cả mọi người đều chung cảm giác tự hào, xúc động. Biên giới có bình yên thì bà con mới yên tâm lao động, sản xuất.
Công tác hơn 1 năm ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, trực tiếp làm việc với các chị trong tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, Tổ trưởng tổ tuần tra Phạm Hải Việt cảm nhận: “Mô hình này thể hiện tình đoàn kết quân - dân sâu sắc, chung trách nhiệm bảo vệ đường biên giới. Nhiệm vụ này, nếu chỉ có bộ đội biên phòng sẽ khó đảm đương hết, mà cần có trách nhiệm của toàn dân. Hàng tháng, chúng tôi kết hợp các chị tuần tra định kỳ và tăng cường hơn vào những dịp lễ. Nhờ các chị có đất ở sát biên giới, quen thuộc với địa hình nên khi phát hiện vụ việc bất thường, lập tức báo cáo cho địa phương, đơn vị”.
Phát huy mô hình ý nghĩa
Trên địa bàn tỉnh An Giang, mô hình Tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới được thành lập từ năm 2012. Đến nay, toàn tỉnh còn 19 tổ hoạt động ở 15 xã của 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới, với 242 thành viên nòng cốt. Cụ thể gồm: huyện Tri Tôn có xã Lạc Quới, Vĩnh Gia; huyện An Phú có các xã: Quốc Thái, Phú Hữu, Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Phú Hội, thị trấn Long Bình; TX. Tân Châu có xã Vĩnh Xương, Phú Lộc; TX. Tịnh Biên có phường An Phú; TP. Châu Đốc có phường Vĩnh Nguơn, xã Vĩnh Tế.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến cho biết, mô hình tập hợp những cá nhân đóng vai trò nòng cốt, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và người dân trên tuyến biên giới chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến Luật Biên giới quốc gia, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Từ ngày tham gia sinh hoạt tổ, các chị hiểu hơn về tình yêu quê hương, đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Hoạt động ý nghĩa nơi biên giới góp phần thắt chặt tình quân - dân
Trong các đợt tuyên truyền, lực lượng biên phòng sẽ thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và tuyên truyền các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia cho người dân nắm. Mỗi chị tiếp tục là một hạt nhân trong việc chấp hành và lan tỏa đến người thân trong gia đình, mọi người xung quanh. Bằng việc làm đó, góp phần nâng lên nhận thức của người dân, hạn chế tối đa vi phạm quy chế biên giới, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn trật tự xã hội địa phương.
Ngoài công tác phối hợp tuần tra, tuyên truyền giữ gìn chủ quyền, đường biên, cột mốc và an ninh biên giới, các thành viên trong tổ còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Hội LHPN tỉnh phát động, như: Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới; thực hiện phong trào “Xây dựng người phụ nữ An Giang thời đại mới”, phong trào giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, thực hiện công tác an sinh xã hội…
Các chị tham gia vào mô hình này với tinh thần tự nguyện. Để động viên tinh thần, vào các dịp lễ, Tết, Hội LHPN cấp huyện đến thăm hỏi, tặng quà cho các thành viên. Bên cạnh đó, đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền hoặc vận động nguồn lực hỗ trợ trang phục; hướng dẫn các thành viên tham gia hùn vốn xoay vòng để mua bảo hiểm y tế và có kinh phí trang trải cuộc sống gia đình.
“Ghi nhận sự đóng góp của các chị và có sự hỗ trợ phần nào về mặt tinh thần, nhưng thực tế, điều kiện kinh tế một số thành viên còn khó khăn, hội LHPN chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời. Mặt khác, do nguồn lực vận động hạn chế nên việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong tổ chưa được thường xuyên. Để mô hình vững mạnh trong thời gian tới, hội LHPN các cấp sẽ thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn các tổ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Hội LHPN các cấp đẩy mạnh công tác thăm hỏi động viên, đề xuất chính sách hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong tổ” - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến thông tin thêm.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa