Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
08/11/2024 15:42
Thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11), các cơ quan, đơn vị, người dân tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác thi hành, bảo vệ pháp luật.
Tháng 6/2012, Quốc hội thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Trong đó, quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam), nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân. Sở dĩ chọn ngày 9/11 là vì ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam được Quốc hội thông qua. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước.
Theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, tập trung vào 2 tháng cao điểm (10 và 11/2024). Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chủ động lựa chọn hình thức hoạt động phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Nội dung hoạt động bao gồm: Phổ biến chính sách, pháp luật hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Chú trọng phổ biến luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản mới thông qua năm 2023 - 2024, những vấn đề xã hội quan tâm (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, an toàn giao thông đường bộ, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, vi phạm pháp luật không gian mạng...). Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai, kết quả thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, chú trọng truyền thông dự thảo chính sách, nhất là những vấn đề nóng, hoặc có nhiều ý kiến khác nhau cần định hướng dư luận xã hội; gắn phổ biến giáo dục pháp luật với xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật. Từng người dân phải được giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, xuyên tạc nội dung các luật có hiệu lực thi hành và dự thảo luật trong quá trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến, nhất là luật có ảnh hưởng sâu rộng đến người dân.
Cùng với đó, thông tin, phản ánh, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong chủ động tìm hiểu, học tập, phổ biến pháp luật.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được thông tin rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng/trang thông tin điện tử... Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức các hoạt động phù hợp, như: Cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, lồng ghép hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn thể ở cơ sở... Từ ngày 15/10 đến 15/11/2024, sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện tổ chức treo băng rôn, pa-no, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại trụ sở, trục đường chính...
Hiện nay, Sở Tư pháp phối hợp Tỉnh đoàn An Giang tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2024”, kết hợp triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024. Nội dung tìm hiểu xoay quanh các văn bản quy phạm pháp luật, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Căn cước năm 2023, Luật Đường bộ năm 2024, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022 - 2027), chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống của Nhân dân và công tác thanh niên.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!