Ngành y tế An Giang đóng góp to lớn cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân

27/02/2024 13:24

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 không chỉ là ngày hội của những người làm công tác y tế, mà còn là dịp để toàn xã hội tôn vinh, tri ân đội ngũ những người đã và đang ngày đêm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”, những năm qua, ngành y tế An Giang đã nỗ lực, đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Nhiều tập thể, cá nhân thầy thuốc và nhân viên các tuyến y tế luôn kiên trì, phấn đấu, vượt qua khó khăn, ngày đêm tận tụy chăm lo cho người bệnh.

69 năm qua, đội ngũ những người làm công tác y tế An Giang đã phấn đấu đưa sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng phát triển, cả về quy mô lẫn chất lượng phục vụ. Mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở có bước chuyển mạnh, đáp ứng yêu cầu điều trị ở mức cao. Cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) phát triển cả về quy mô và chất lượng.

 

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang khang trang, hiện đại

 

TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế thông tin: “Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành y tế An Giang đã thực hiện đạt 11/12 chỉ tiêu năm 2023; đảm bảo tiến độ thực hiện 3 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI giao, gồm: Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 9,6 bác sĩ, số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 27,5 giường, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,13%.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống hiệu quả các dịch bệnh. Chất lượng KCB được nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, phát triển nhiều kỹ thuật mới. Tỉnh có 3 bệnh viện tuyến tỉnh được công nhận chuẩn “Bạch kim” về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới. Triển khai và đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Y dược cổ truyền - phục hồi chức năng quy mô 100 giường. Đặc biệt, thực hiện đấu thầu thuốc tập trung qua mạng gần 2.000 mặt hàng thuốc với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng, góp phần đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thuốc thiết yếu cho người bệnh”.

Cùng với đó, chất lượng hoạt động y tế cơ sở được nâng cao; duy trì tầm soát, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ. Duy trì hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số ngành y tế. Xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) ngành y tế, nhằm tích hợp, hệ thống hóa dữ liệu y tế toàn tỉnh; thực hiện bệnh án điện tử (EMR), hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử (EHR), thanh toán không dùng tiền mặt...

TS.BS Trần Quang Hiền cho biết, nhân lực y tế được đào tạo, phát triển cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý. Riêng năm 2023, hoàn thành chương trình đào tạo 2 tiến sĩ, 17 bác sĩ chuyên khoa II, 239 bác sĩ chuyên khoa I và thạc sĩ, 133 bác sĩ. Tăng cường thực hiện y đức, lấy người bệnh làm trung tâm. Đồng thời, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý theo hướng tinh gọn và hiệu quả.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 22 đơn vị y tế (giảm 54% so năm 2015), số biên chế đạt 4.033 (giảm 37,5% so năm 2015). Tại các đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Đến nay, có 6 đơn vị nhóm 2 - tự đảm bảo chi thường xuyên và 16 đơn vị nhóm 3 - tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Đơn vị y tế ngoài công lập phát triển, tỉnh có 5 bệnh viện tư nhân, với 660 giường bệnh (chiếm 12,36% tổng số giường bệnh toàn tỉnh).

BS.CKII Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết, bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng KCB; tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lĩnh vực lâm sàng, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Nhiều chỉ tiêu chuyên môn không ngừng tăng lên; nhiều bệnh nguy hiểm được điều trị khỏi; dịch vụ y tế đa dạng. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và phục vụ bệnh nhân được đầu tư hiện đại. Bệnh viện đã đổi mới, đột phá và triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh; ứng dụng, triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, xứng tầm bệnh viện hạng 1 của tỉnh.

ThS.BS Bùi Hữu Minh Trí, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch An Giang cho biết, thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe tim mạch, hơn 30 năm hình thành và phát triển, bệnh viện đã đạt nhiều thành tựu trên cả 3 lĩnh vực: Điều trị nội khoa chuyên sâu tim mạch, tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim hở. Vận hành từ năm 2018, hàng năm khoảng 900 - 1.000 bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu theo quy trình báo động đỏ đột quỵ.

Năm 2021, Bệnh viện Tim mạch An Giang là bệnh viện công lập đầu tiên tại ĐBSCL đạt giải thưởng chất lượng vàng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới. Tháng 8/2023, bệnh viện tiếp tục được nhận giải thưởng “Bạch kim” do Hội Đột quỵ thế giới trao tặng. Mỗi năm, khoảng 150 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được cứu sống bằng tái thông mạch vành cấp cứu theo quy trình báo động đỏ.

Chương trình can thiệp mạch vành, can thiệp qua da đóng các lỗ thông tim bẩm sinh, cắt đốt điện sinh lý bằng sóng cao tần điều trị rối loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn... là các kỹ thuật cao được thực hiện thường quy tại bệnh viện. Bệnh viện còn phẫu thuật tim hở thành công cho 100 bệnh nhân bệnh van tim nặng.

BS.CKII Tôn Quang Chánh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang thông tin: “Khối sản 200 giường với 9 tầng, cùng trang thiết bị hiện đại đi vào hoạt động ổn định. Bệnh viện có nhiều bước tiến, chất lượng KCB nâng cao, phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Qua đó, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, xứng tầm cơ sở KCB tuyến cao nhất về lĩnh vực sản và nhi của tỉnh”.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới