Nâng giá trị làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc

23/01/2024 11:15

Là sản phẩm du lịch (DL) mới của An Giang, làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) DL trong, ngoài tỉnh và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trên truyền thông, mạng xã hội. Sau khi ra mắt làng bè sắc màu, mục tiêu tiếp theo của ngành chuyên môn là nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách khi đến trải nghiệm tại đây.

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ tại làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc

 

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu thông tin: “Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang có nền văn hóa các dân tộc độc đáo, có sông nước hữu tình, núi non hùng vĩ. Đó là những điều kiện đặc biệt làm nên một An Giang khác hẳn với các địa phương trong cả nước. Trên cơ sở đó, trung tâm đã phát triển sản phẩm DL làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển DL sông nước, DL văn hóa tại TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và huyện An Phú”.

Tại buổi tọa đàm mới đây, đã có nhiều ý kiến đóng góp về mục tiêu phát triển dịch vụ tại làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, như: Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ khai thác, phát triển sản phẩm dịch vụ DL tại làng bè; phát triển hạ tầng DL, bến bãi đường thủy chuyên nghiệp; phát triển các sản phẩm, dịch vụ đi kèm với làng bè; kết nối các tour, tuyến DL đường bộ, đường thủy với các địa phương trong vùng; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về phát triển DL cho cộng đồng địa phương; cần giải quyết các vấn đề về rác thải, an ninh DL, an toàn cho du khách; tăng cường truyền thông, quảng bá làng bè sắc màu đến du khách, DN DL trong, ngoài nước…

Nhận định về tiềm năng phát triển của làng bè sắc màu, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh An Giang Phan Phạm Cảnh Toàn cho hay: “Với ý tưởng này, làng bè cá lâu đời bỗng “lột xác” trở nên lung linh, sống động, nổi bật lên giữa ngã ba sông Châu Đốc thơ mộng. Làng bè sắc màu đã tạo nên điểm nhấn nổi bật, với cảnh quan đặc sắc và hiện là sản phẩm duy nhất tại ĐBSCL.

Ngoài ra, sản phẩm DL mới này còn làm gia tăng giá trị cho các danh thắng liên hoàn của TP. Châu Đốc, huyện An Phú, TX. Tân Châu, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, làng Chăm Đa Phước, làng Chăm Châu Phong, các thánh đường Hồi giáo, búng Bình Thiên…”.

Ông Toàn đề xuất, cần mời gọi DN đầu tư và tổ chức bè cá chuyên phục vụ khách tour. Bè có thể nuôi cá tượng trưng để phục vụ du khách, nhằm ít làm xáo trộn hoạt động nuôi cá của các hộ dân. Đồng thời, cũng cần có các bè cá lớn để cùng lúc có thể cho đoàn du khách 100 - 150 người tham quan, thưởng thức đặc sản. Ngoài ra, phải chỉnh trang lại các điểm tham quan ở làng Chăm, kêu gọi đầu tư các nhà hàng ẩm thực Chăm để khai thác thế mạnh độc đáo chỉ có ở An Giang.

“Muốn làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc thực sự trở thành sản phẩm DL phát triển bền vững, sau khi bàn giao lại cho các chủ bè thì cần duy tu, giữ gìn diện mạo như ban đầu theo đúng ý tưởng đã đề ra. Việc bàn giao lại cho một đơn vị quản lý cụ thể sau khi dự án hoàn tất là yếu tố quan trọng, nhằm duy trì những thành quả đã đạt được, phát huy tối đa tiềm năng mà dự án hướng đến” - ông Phan Phạm Cảnh Toàn phân tích.

Bà Tạ Thị Tố Uyên (Công ty Vietravel) cho rằng, nên cụ thể hóa các dịch vụ tại làng bè theo từng màu sắc, trên cơ sở đảm bảo tính liên kết giữa các hộ dân làng bè trong việc tạo nên sản phẩm DL chung. Ví dụ, du khách sẽ trải nghiệm hoạt động cho cá ăn tại bè cá màu đỏ, rồi sang bè màu cam để thưởng thức các món ăn đặc sản từ cá bè, hay đến những bè màu vàng mua sắm quà lưu niệm...

“Tôi nghĩ rằng, các sản phẩm lưu niệm trên làng bè phải là sản phẩm của cộng đồng Chăm tại địa phương, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Ngành chuyên môn cần có hướng phát triển các dịch vụ kinh tế đêm tại làng bè để tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, có thể phát triển thêm hệ thống chiếu sáng đa sắc màu cho làng bè về đêm, tạo thêm sự thích thú cho du khách” - bà Tạ Thị Tố Uyên đề xuất.

Đến từ xứ dừa Bến Tre, anh Võ Văn Phong (Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch C2T) khá ấn tượng khi được trải nghiệm làng bè sắc màu, cũng như nét văn hóa độc đáo của cộng đồng Chăm An Giang.

Anh Phong nhận định: “Việc khai thác tốt sản phẩm làng bè sắc màu giúp chuyển tải đầy đủ giá trị văn hóa sông nước An Giang, cùng với nét đẹp văn hóa của cộng đồng Chăm. Cần xây dựng một câu chuyện về làng bè sắc màu để tạo điểm nhấn trong nhận thức của du khách. Có câu chuyện về làng bè, du khách sẽ trải nghiệm sản phẩm lý thú hơn. Với góc độ là đơn vị làm dịch vụ DL, tôi sẽ thiết kế các tour đưa khách đến để trải nghiệm sự độc đáo của nơi này”.

Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng DN và địa phương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang sẽ phối hợp với các địa phương đề ra giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc trở thành điểm nhấn của DL sông nước An Giang.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới