Lao động phấn khởi những ngày cận Tết

06/02/2024 17:20

Cuối năm Quý Mão, mọi người đều hối hả chuẩn bị để đón cái Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thật đầy đủ, đường phố nhộn nhịp, tiểu thương tất bật… Trong đó, có những lao động cũng bận rộn không kém, họ cật lực làm việc để mong có cái Tết ấm no, trọn vẹn.

Em Nguyễn Hoàng Phúc (phường Long Sơn, TX. Tân Châu) cho biết, đang học nghề tại TP. Long Xuyên, tranh thủ thời gian được nghỉ sớm, em làm thời vụ kiếm tiền xài Tết. Phúc nhận đứng bán, chăm sóc mai và trông giữ ban đêm cho chủ. Công việc khá vất vả, nhất là phải khiêng những chậu mai lớn, mấy ngày đầu ê ẩm nhưng phải cố gắng vì làm hết tháng trước Tết, em sẽ nhận được 7,5 triệu đồng kèm tiền thưởng.

Đồng hồ đã điểm hơn 23 giờ khuya, Phúc vừa ăn xong hộp cơm lấy sức tối phải trông chừng mai, do số lượng mai nhiều, không thể bao lại để hạn chế mất trộm nên phải trông chừng. Thay phiên nhau trực, khi nào mệt quá thì chợp mắt, mấy ngày nay đâu có ngủ được bao nhiêu, sáng mở mắt ra nhìn thấy mai vẫn còn đủ là mừng rồi, không phải bị trừ lương. “Em trông cho thời gian qua mau, số mai bán được, để nhận lương về quê. Dự tính em cho mẹ một ít lo cho cái Tết đầy đủ, mua sắm vài bộ quần áo mới, để dành sau Tết xuống học có tiền chi tiêu” - Nguyễn Hoàng Phúc hồ hởi.

 

 

Đang lấy sức khiêng 2 chậu hoa giấy lớn để lên xe cho khách hàng, anh Hai Trung (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết, cuốc này cũng được 150.000 đồng, xem như có tiền đổ xăng với chi phí ăn uống trong ngày. Mấy ngày nay chở hoa, kiểng cho khách được kha khá, mỗi ngày kiếm được cả triệu đồng nếu siêng chạy đến 22 giờ đêm, có ngày ít hơn cũng vài trăm ngàn đồng, thu nhập cao hơn ngày thường rất nhiều. “Tranh thủ làm đến Tết để kiếm thêm tiền đưa vợ mua sắm thực phẩm, trang trí nhà cửa sạch đẹp, chở vợ con mua vài bộ quần áo mới, lâu rồi chưa mua đồ mới cho con. Tết sắm đồ cho nó sẽ rất mừng, con nít chỉ trông những ngày Tết để được cha mẹ chở đi sắm đồ mới, ngày thường thua kém con người ta tội nghiệp nó. Những ngày đầu năm rất ít hàng hóa để chở, phải tiết kiệm lại chút đỉnh để có tiền chi tiêu cho gia đình ăn uống, mua sữa cho con; sửa chữa lại chiếc xe để “cày” cho năm sau” - Hai Trung nói.

Chú Phạm Mách (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) đang ngồi chờ khách hàng chở hoa kiểng tại chợ hoa TP. Long Xuyên. Chú Mách cho biết, những ngày Tết thu nhập được mấy trăm ngàn đồng, kiếm khách hàng dễ hơn ngày thường, thu nhập cũng cao hơn. Chú hy vọng 1 - 2 ngày tới là lúc cao điểm mua sắm, số lượng khách hàng tăng, nhu cầu vận chuyển nhiều hơn, tranh thủ chạy kiếm tiền cho cái Tết. “Giờ còn mình tôi làm kiếm tiền, nuôi vợ và đứa con trai út ốm yếu, 2 đứa lớn có gia đình đi tỉnh khác làm thợ hồ, tự lo cho bản thân và gia đình, không còn gánh nặng nữa. Số tiền kiếm được trong những ngày cận Tết cũng đủ cho cái Tết đầy đủ và ấm no” - chú Phạm Mách tươi cười.

 

 

Cũng có niềm vui trong những ngày cận Tết, nhưng không phải vì số khách hàng tăng, thu nhập tăng mà vì đã tìm được một nơi cố định để hành nghề, anh Nguyễn Hoàng Nam (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) nói: “Tôi mới xin được chính quyền địa phương cho chỗ cắt tóc trên vỉa hè đường, đó là niềm vui lớn nhất trong cái Tết này. Do chỗ cũ sửa chữa nhà không cho thuê nữa, tôi chạy đôn chạy đáo mới tìm được, nay mọi việc ổn rồi. Khách ủng hộ chủ yếu là mối quen, giá hớt tóc 30.000 đồng/lượt, mỗi ngày được khoảng 10 người, kiếm 300.000 đồng. Một số khách “sộp” còn cho thêm tiền, đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày. Có chỗ cố định rồi thì từ từ sẽ có khách hàng, thu nhập sẽ khá hơn”.

Xuân đã cận kề, những người lao động chân tay đều cật lực làm việc, lao động bằng khả năng, sức khỏe, nghề nghiệp của mình, với mong muốn có được cái Tết sum vầy bên gia đình, đầy đủ, trọn vẹn.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới