Kinh tế tập thể định hướng cho sản xuất nông nghiệp

06/09/2024 17:13

Ở huyện cù lao Phú Tân, nhiều mô hình kinh tế tập thể (câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX)) đã và đang hoạt động chất lượng, hiệu quả. Điểm chung của các mô hình này là chú trọng phát triển, huy động nguồn vốn góp của thành viên, hoạt động liên kết được mở rộng.

Hơn 3 năm nay, anh Thái Vĩnh Phú (ngụ ấp Bình Quới 2, xã Bình Thạnh Đông) phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Bên cạnh lợi nhuận về kinh tế, anh nhận định mô hình này có những khó khăn nhất định: Vốn đầu tư tương đối lớn, người trồng phải biết áp dụng khoa học - công nghệ và quy trình kỹ thuật sản xuất mới, quản lý dịch bệnh. Đặc biệt, phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để không bị ép giá, lệ thuộc thương lái qua từng vụ.

“Trong điều kiện hiện nay, phải hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp (DN); sản xuất phải liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm ăn, tạo được vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… thì mới đạt hiệu quả. Được sự hỗ trợ và vận động của Hội Nông dân xã, THT trồng dưa lưới ấp Bình Quới 2 ra đời với 5 thành viên, sản xuất 7 nhà màng. Đến nay, THT hoạt động ổn định, các thành viên cơ bản áp dụng được kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là đầu ra ổn định” - anh Phú cho biết.

 

Sản xuất tập thể gắn với liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ giúp đảm bảo đầu ra cho nông dân

 

Mỗi năm, dưa lưới trồng trong nhà màng có thể sản xuất 4 vụ mà không bị phụ thuộc điều kiện thời tiết. THT liên kết với DN của tỉnh Hậu Giang bao tiêu, giá 30.000 đồng/kg. Bình quân cứ 1.000m2, sau khi trừ chi phí lãi 40 triệu đồng/vụ. Niềm vui còn được nhân lên khi mới đây, sản phẩm dưa lưới của THT đã được UBND huyện Phú Tân công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao của huyện, từng bước tiến tới thành lập HTX.

Nhắc đến đậu nành rau, nông dân các xã đang chuyển đổi sang cây trồng này đều khen tấm tắc. Ở những nơi đã tập hợp nông dân vào THT, đại diện ký kết hợp đồng với DN, bà con không còn lo chuyện tìm đầu ra và giá cả bấp bênh như những năm trước. Anh Nguyễn Minh Cảnh (một trong những thành viên của THT trồng đậu nành rau ở xã Phú Xuân) là điển hình. Từ lúa, nếp, anh chuyển 3ha sang trồng 2 vụ đậu nành rau xen canh 1 vụ bắp ngọt, tăng vòng quay và nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất.

“Vụ đông xuân năm nay, đậu nành rau thu hoạch với năng suất bình quân 1,3 - 1,5 tấn/1.000m2, được Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) bao tiêu thu mua 12.000/kg, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận được khoảng 3 - 5 triệu đồng/1.000m2. Bà con tham gia chuỗi liên kết luôn yên tâm khi được hỗ trợ giống, được đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nông sản, được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật (từ khâu chuẩn bị đất, mật độ trồng, phương thức bón phân, làm cỏ, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm khi thu hoạch…)” - anh Cảnh chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn thông tin, thời gian qua, đơn vị triển khai tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021 - 2025. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nông dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được trên 824ha; diện tích thu hoạch gần 566ha với sản lượng cây ăn trái trên 8.520 tấn, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư phát triển 160 mô hình sản xuất (111 mô hình trồng trọt, 49 mô hình chăn nuôi, còn lại là thủy sản).

Từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân huyện vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng 19 chi hội nông dân nghề nghiệp, 156 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 145 THT, 69 câu lạc bộ nông dân, vận động thành lập 2 HTX. Kết quả, nâng tổng số toàn huyện hiện có 21 HTX với 2.663 thành viên, diện tích phục vụ 19.529ha, chiếm 81,9%, giải quyết cho 363 lao động có việc làm ổn định. Các đơn vị hoạt động hiệu quả, như: THT trồng dưa lưới xã Bình Thạnh Đông, đậu nành rau xã Phú Xuân, trồng rau muống lấy hạt xã Hiệp Xương, chăn nuôi cá xã Tân Trung, xã Phú Bình, chăn nuôi dê xã Phú Long, Phú Lâm... có liên kết đầu ra ổn định.

Các HTX nông nghiệp ngoài việc phục vụ tưới tiêu còn phát triển thêm các dịch vụ, tham gia chuỗi liên kết với DN tiêu thụ nông sản cho nông dân. Từ đó, đem lại hiệu quả kinh tế, được biểu dương, khen thưởng... là minh chứng thiết thực để thu hút hội viên, nông dân tin tưởng tham gia. HTX Nông nghiệp Phú Thạnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023; HTX Chợ Vàm được Liên minh HTX Việt Nam tặng giải Ngôi sao HTX năm 2024. Sản phẩm chả cá rút xương của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng (xã Phú Bình) được Cục Công Thương địa phương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện đang tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tạo tiền đề thành lập THT, HTX. Đồng thời, từng bước khắc phục hạn chế, tồn tại ở một bộ phận nông dân chậm thay đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất…

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới