Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường

06/06/2024 13:34

Ngày Môi trường thế giới 5/6/2024 được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”. Qua đó, kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44.000 tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Liên Hiệp Quốc (2021 - 2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường

 

 Cùng hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị UBMTTQVN tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành; các hội, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ quan tâm tổ chức và tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Nghị quyết 06/NQ-CP, ngày 21/1/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; Quyết định 419/QĐ-TTg, ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị 13/CT- TTg, ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Văn bản 280/UBND-KTN, ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… 

An Giang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới BĐKH, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) và quy định về phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất. Đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với BĐKH. 

Tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa. Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên của đất nước. Tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn quản lý. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và các địa phương để tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng…

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới