Hiệu quả từ hoạt động dạy bơi cho trẻ em
18/06/2024 17:16
Tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay là vấn đề thời sự, là nỗi lo lắng của nhiều gia đình. Thời gian qua, các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp, triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Nhiều hoạt động cụ thể
An Giang là tỉnh đầu nguồn khu vực ĐBSCL, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Phần đông người dân ở khu vực nông thôn sinh sống ven kênh rạch, sông nước. Một bộ phận người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông nước nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Từ thực tế đó, tỉnh đã triển khai chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước trẻ em. Thực hiện các quyết định, công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2025.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang ban hành kế hoạch thực hiện, phối hợp các sở, ngành, đoàn thể triển khai đến cấp huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ; tổ chức các lớp phổ cập bơi; trang bị hồ bơi cho địa phương.
Các huyện, thị xã, thành phố, xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm, phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền trong cộng đồng về lợi ích của bơi lội, vận động Nhân dân, các bậc phụ huynh, nhà trường động viên trẻ em, học sinh tham gia các lớp học bơi…
Hàng năm, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi bơi lặn, cứu đuối “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em”. Năm nay, lễ phát động và hội thi được tổ chức tại TP. Châu Đốc, với sự tham gia của 700 học sinh trên địa bàn TP. Châu Đốc và 144 vận động viên của 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Những con số biết nói
Qua 3 năm triển khai Kế hoạch 493/KH-UBND của UBND tỉnh An Giang, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động và giải pháp thiết thực, đổi mới để thực hiện chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước trẻ em. Theo đó, các địa phương tổ chức được 1.447 lớp phổ cập bơi cho hơn 47.750 em trong độ tuổi. Nâng tổng số trẻ em và học sinh đã phổ cập bơi trong toàn tỉnh đến năm 2023 lên 356.626 em. Đến nay, toàn tỉnh có 5 hồ 50m, 27 hồ bơi 25m cố định, 54 hồ bơi đơn giản, 80 bể lắp ghép di động…
Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo từng bước đưa môn bơi vào giảng dạy, huy động các em chưa biết bơi tham gia tập bơi tại các điểm dạy bơi ở cơ sở. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện mô hình "Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em" tại 11 huyện, thị xã, thành phố.
Mặt khác, các cấp thường xuyên tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc học bơi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, dần nâng cao nhận thức người dân và cộng đồng về chương trình phổ cập bơi. Công tác quản lý, vận hành, sử dụng và khai thác các hồ bơi hiện có tại địa phương đang được quan tâm xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số huyện trang bị hồ bơi di động, dễ dàng tháo lắp để di chuyển cho nhiều điểm dạy bơi, góp phần phục vụ nhu cầu học bơi, tập bơi cho trẻ em ở địa phương…
Dù có nhiều kết quả nhưng chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước trẻ em vẫn còn tồn tại khó khăn, hạn chế. Việc đầu tư cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy bơi cho trẻ em. Một bộ phận người dân còn chủ quan, không cho con tham gia học bơi và học các kỹ năng cần thiết về phòng, chống đuối nước để tự cứu mình khi có tai nạn đuối nước xảy ra… Điều này dẫn đến những vụ việc thương tâm xảy ra trong thời gian qua.
Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em; nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn các lớp dạy bơi. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông; phổ biến, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh… Từng bước đưa môn bơi vào giảng dạy ngoại khóa và chính khóa trong trường học có hồ bơi; huy động các em chưa biết bơi tham gia tập bơi, đảm bảo 100% các em học xong cấp tiểu học sẽ biết bơi, biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Tiếp tục hỗ trợ đầu tư trang bị hồ bơi tại các địa phương. Huy động, vận động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, xây dựng thêm hồ bơi vừa làm dịch vụ vừa mở lớp bơi ở địa phương, trường học. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng, chống đuối nước; thường xuyên kiểm ra, theo dõi và đánh giá đúng kết quả công tác phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em...
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới