Hiệu quả tín dụng chính sách ở huyện Chợ Mới
11/06/2024 15:37
Năm 2023 và quý I/2024, nguồn vốn tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) giải ngân cho hàng ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất, cải thiện, ổn định đời sống kinh tế. Hàng trăm lao động được tạo việc làm; giải quyết cho học sinh, sinh viên (HSSV) hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập… Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2023 còn 1,44%, hộ cận nghèo còn 2,26%, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chợ Mới giải ngân vốn cho người dân
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới Lê Thúy Hằng cho biết, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách huyện giải ngân cho vay 754 lượt khách hàng. Trong đó, có 46 lượt hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo, 388 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, 1.104 lượt HSSV vay vốn để học tập, 1.611 hộ gia đình vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh; 675 hộ vay vốn giải quyết việc làm; 30 hộ vay vốn để xuất khẩu lao động.
Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (từ ngày 27/4/2022 đến nay), Phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho 380 khách hàng vay vốn hỗ trợ, tạo việc làm với số tiền hơn 21,2 tỷ đồng; giải ngân 60 triệu đồng cho 6 HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay mua máy tính, thiết bị học trực tuyến; giải ngân hơn 23,3 tỷ đồng cho 57 khách hàng vay xây dựng nhà ở xã hội. Thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, hỗ trợ lãi suất 6.325 khách hàng với tổng số tiền gần 3,9 tỷ đồng…
Với những nỗ lực trên, những năm qua, hộ nghèo ở huyện Chợ Mới có những chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng. Đến cuối năm 2023, hộ nghèo giảm còn 1,44%. Tỷ lệ nợ quá hạn huyện Chợ Mới chiếm tỷ lệ 0,4%, thấp nhất tỉnh. Đặc biệt, Chợ Mới có dư nợ các chương trình tín dụng cao nhất tỉnh với 569 tỷ đồng (tăng gần 28 tỷ đồng so năm 2023), tỷ lệ tăng 5,18% với hơn 15.381 hộ còn dư nợ. Chất lượng tín dụng thường xuyên được chú trọng và không ngừng nâng cao, được xếp loại tốt…
Quý I/2024, doanh số cho vay đạt trên 54,2 tỷ đồng, với 754 hộ được vay vốn. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay nguồn vốn với điều kiện và lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng cải thiện, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới Võ Minh Nâng nhận định: “Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp hàng ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nguồn vốn để đầu tư mua sắm công cụ, phương tiện sản xuất, cải thiện, ổn định đời sống kinh tế, hàng trăm lao động được tạo việc làm.
Đồng thời, giải quyết cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để có chi phí mua trang thiết bị phục vụ học tập, phát triển nguồn nhân lực; giúp cho hàng ngàn lượt hộ gia đình khu vực nông thôn vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt”.
Để có được kết quả đó, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Chợ Mới thường xuyên quan tâm, bố trí nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong đó, ngay từ đầu năm 2024, đã chuyển sang 1,5 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW (năm 2015) đến nay, tổng số vốn ngân sách huyện chuyển sang Phòng giao dịch ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gần 15 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ về nguồn vốn ngân sách để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã bố trí vị trí giao dịch cho hoạt động Điểm giao dịch xã của Phòng giao dịch ngân hàng CSXH đặt tại trụ sở UBND cấp xã, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, giao dịch các hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo an toàn và tiết giảm chi phí đi lại.
Riêng Phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của 18/18 điểm giao dịch xã. Với mạng lưới rộng khắp về tận cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp Phòng giao dịch ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương để giải ngân nhanh chóng, thuận lợi nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng phải đi đôi với chất lượng, nên thời gian qua, chất lượng tín dụng ngày được nâng cao.
Để thực hiện tốt hơn hoạt động tín dụng năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Võ Minh Nâng yêu cầu Phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện, các ngành, UBND các xã, thị trấn củng cố lại Tổ đôn đốc thu hồi nợ quá hạn và nợ khoanh; xử lý kịp thời các khoản nợ. Đối với những nơi có tổ hoạt động trung bình, không hiệu quả phải củng cố lại hoặc thay đổi ngay ban quản lý tổ, để đảm bảo chất lượng hoạt động.
Đặc biệt, tập trung tăng trưởng dư nợ đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn có dư nợ thấp, để nâng mức dư nợ lên so mặt bằng huyện. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới