Gửi gắm nguyện vọng của tỉnh đến Trung ương
24/05/2024 17:00
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã bắt đầu, chuẩn bị cho rất nhiều quyết sách quan trọng được đề ra cho 6 tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo. Trước thềm kỳ họp, nhiều kiến nghị, vướng mắc của tỉnh An Giang được chuyển tải, kỳ vọng sớm có biện pháp tháo gỡ, cho chủ trương.
Quan tâm dự án kết nối hạ tầng
Ngày 7/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 816/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai kế hoạch, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực đầu tư, đặc biệt đối với dự án kết nối hạ tầng, tạo mạng lưới thông suốt kết nối tỉnh, thành phố trong vùng.
“Đó là phát triển hệ thống trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng; là nơi cung cấp dịch vụ logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, thành lập trung tâm đầu mối tại TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp… Trung tâm Logistics Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (tỉnh An Giang)” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề xuất.
Thời gian qua, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu tạo ra môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư tư nhân, góp phần phát triển và mang lại nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác này còn gặp nhiều trở ngại, do nguồn vốn từ Trung ương và ngân sách địa phương hạn chế.
Trong khi các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đa phần đều ở địa phương có điều kiện KTXH khó khăn, đặc biệt khó khăn. Hệ quả, lợi thế thu hút đầu tư thấp, chưa có chính sách ưu đãi đặc thù, hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đóng góp cho ngân sách.
UBND tỉnh đề xuất một số ý kiến đến Trung ương
Theo đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung chính sách về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, theo hướng: Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 - 2030, trong đó tăng chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn, khu chức năng trong khu kinh tế; ưu tiên dự án bồi thường,giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế suất cho dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư, thực hiện đầu tư vào khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; phân cấp cho UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu chức năng này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Gỡ khó “đơn giá cho thuê đất”
Từ năm 2023, UBND tỉnh gửi công văn xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường một số nội dung. Thứ nhất, đối với dự án đã được cấp phép khai thác khoáng sản cát sông, có thuộc trường hợp phải lập thủ tục thuê mặt nước theo Điều 152 Luật Đất đai năm 2013 hay không? Thứ hai, đối với trường hợp được cho thuê đất có mặt nước, theo Khoản 1, Điều 6 Nghị định 46/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ (quy định xác định đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước thuộc nhóm đất quy định tại Điều 10 Luật Đất đai), phần diện tích đất có mặt nước thì đơn giá thuê đất hàng năm, đơn giá thuê đất trả tiền thuê 1 lần cho cả thời gian thuê không thấp hơn 50% đơn giá thuê đất của loại đất có vị trí liền kề, cùng mục đích sử dụng.
Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 83/2019/QĐ-UBND, quy định mức đơn giá thuê đất có mặt nước ở mức “bằng 50%”. Tuy nhiên, vị trí cho thuê để khai thác cát có đặc điểm nằm giữa lòng sông, không liền kề với các khu đất có cùng mục đích, dẫn đến khó khăn trong việc xác định đơn giá này. Một vấn đề khác, Điều 4 Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định giá đất cụ thể được xác định theo phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư cho trường hợp xác định đơn giá cho thuê đất hàng năm vào mục đích khai thác khoáng sản cho khu đất, thửa đất có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên. Khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng thì xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Như vậy, việc xác định giá trị khu đất (cho thuê đất có mặt nước vào mục đích khai thác khoáng sản) có nhân 50% đơn giá thuê đất mặt nước theo Khoản 1, Điều 6 trên hay không?
“Đến nay, UBND tỉnh chưa nhận được ý kiến hướng dẫn của ngành chuyên môn. Thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chúng tôi kiến nghị sớm có hướng dẫn để tỉnh tổ chức thực hiện, khắc phục Kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, lập thủ tục thuê mặt nước cho dự án khai thác khoáng sản cát sông đang triển khai trên địa bàn tỉnh, phục vụ các công trình xây dựng cao tốc đường bộ vùng ĐBSCL” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy trăn trở.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương, toàn bộ ý kiến của tỉnh được ghi nhận, chuyển tải, kết nối đến Trung ương thông qua thảo luận tổ, phát biểu tại nghị trường, gửi văn bản đề nghị trả lời… Về phía tỉnh, cần tích cực hỗ trợ Đoàn ĐBQH trong suốt kỳ họp, nhanh chóng cung cấp thông tin, số liệu liên quan, làm cơ sở để đoàn nắm bắt vấn đề, phản ánh đến Quốc hội. Những vấn đề nào bộ, ngành Trung ương chưa trả lời thỏa đáng, cần tiếp tục kiến nghị, chia sẻ sớm.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới