Giữ rừng

14/06/2024 13:38

Tháng qua, vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên) xuất hiện nhiều cơn mưa nặng hạt tưới mát các khu rừng, đồi núi. Sau mưa thì nắng nóng gay gắt trở lại, công tác giữ rừng của lực lượng kiểm lâm tiếp tục vất vả.

Gian nan giữ rừng

Còn nhớ vào khoảng cuối tháng 4, tại khu vực Kẹt Càng Đước, xã Núi Tô (huyện Tri Tôn) xảy ra vụ cháy rừng lan rộng, với diện tích khoảng 28ha chưa rõ nguyên nhân. Công tác tác chữa cháy rừng của ngành chức năng và địa phương vô cùng gian nan. Lúc đó, mọi sự chú ý của người dân đổ dồn về điểm cháy trên núi Tô. Thỉnh thoảng, bà con nghe những tiếng nổ lớn phát ra từ đám cháy rừng.

Trong quá trình chữa cháy, mặc dù, ngọn lửa được khống chế, nhưng do địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều lò ảng, hốc đá, lá cây rừng rụng lâu ngày tạo thành lớp thực bì mục bén lửa, ngún khói âm ỉ. Nếu chữa cháy không triệt để, xem như công cốc. Bởi, lửa than nằm bên dưới lớp thực bì sẽ bốc cháy trở lại khi gặp gió trời lướt qua.

 

 

Địa phương huy động tổng cộng hơn 1.100 người, gồm lực lượng: Kiểm lâm, ban quản lý rừng, quân sự, công an, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân, cùng nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị tham gia chữa cháy. Những nơi khó tiếp cận còn ngún khói phải dùng drone (máy bay không người lái) để tưới nước chữa cháy. Ngoài ra, ngành kiểm lâm còn dùng máy thổi lá vạch đường băng không cho ngọn lửa cháy lan để dập lửa hiệu quả.

Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Huỳnh Hữu Thiện nhớ lại: “Nếu tính đủ phải mất khoảng 4 ngày mới dập tắt hẳn đám cháy. Từ trước đến nay, chưa có vụ cháy rừng nào ở Bảy Núi diễn ra lớn và mất nhiều ngày mới dập tắt hẳn lửa như vậy”.

Rồi vụ cháy rừng khu vực núi Dài, xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), với diện tích trên 12ha cũng chưa rõ nguyên nhân. Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Huỳnh Hữu Thiện cho hay, địa phương huy động trên 500 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cảnh sát Cơ động, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn, Công an huyện, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng dân quân tham gia chữa cháy. Trong quá trình chữa cháy, khu vực này có nhiều tiếng nổ lớn tương tự như vụ cháy tại núi Tô. Do đó, lực lượng chức năng không dám tiếp cận đám cháy vì sợ nổ bom, mìn, rất nguy hiểm.

Khu vực đồi núi, lò ảng còn tồn tại vật nổ thời chiến tranh, gây khó khăn cho công tác dập lửa. Khi xuất hiện đám cháy, công tác chữa cháy rừng chực chờ hiểm nguy. Bởi, lửa là tác nhân kích hoạt bom, mìn còn sót lại nổ vang trời.

“Nếu chúng ta đến chữa cháy ngay chỗ có bom, mìn sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Với kinh nghiệm dạn dày trong ngành, chúng tôi không đến chữa cháy trực tiếp mà sử dụng giải pháp tạo đường băng cách xa đám cháy để ngăn lửa lan ra. Qua vụ cháy này, cần phải phối hợp nhịp nhàng trong việc phân công nhiệm vụ giữa các lực lượng thì mới chữa cháy kịp thời, không để thời gian kéo dài, rất gian nan”- Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Huỳnh Hữu Thiện bộc bạch.

 

 

Ngồi tâm sự, anh Huỳnh Hữu Thiện kéo tay áo lên cho tôi xem vết thương đã lành da non, do bị mảnh vỡ bom, mìn ghim vào từ vụ cháy cách nay 3 năm trên núi. Mở chiếc điện thoại còn lưu lại hình ảnh viết thương sâu ngoắm do mìn găm sâu vào thớ thịt cho tôi xem, anh Thiện bàng hoàng: “Lúc đang chữa cháy bỗng dưng nghe tiếng nổ chát chúa, nhìn lại cánh tay, thấy 1 mảnh đạn găm vào bắp thịt, máu chảy đầm đìa. Anh em kiểm lâm chở tôi xuống trạm xá khâu lại vết thương. May mắn khi mảnh đạn chỉ ghim vào bắp tay, nếu trúng vào đầu thì…”. Do đó, mỗi lần xảy ra cháy trên núi, anh em kiểm lâm phải đưa ra nhiều phương án chữa cháy để đảm bảo an toàn tính mạng.

Bảo vệ động vật rừng

Từ lâu, nhắc đến Bảy Núi, người ta đều nghĩ đến vùng rừng núi thâm u, ẩn chứa những câu chuyện kỳ bí hấp dẫn, trong đó có thú rừng trú ngụ được ngành kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt. Chúng tôi vượt dốc núi Tô (huyện Tri Tôn) gặp bà Chín Luận (87 tuổi), một trong những người lên núi lập vườn đầu tiên. Ngồi trong ngôi chùa, bà Chín Luận kể rằng, ngày trước, cọp, beo, khỉ, rắn, trăn xuất hiện thường xuyên. Mỗi khi vợ chồng bà Chín Luận phát rẫy trồng trọt phải quan sát đề phòng thú dữ. Theo thời gian, loài cọp, beo đi vào huyền thoại, không còn tồn tại. “Bây giờ, ngọn núi Tô còn khỉ, voọc rất nhiều. Thậm chí, người ta còn thấy cả rắn, trăn to nằm chắn ngang đường mòn trên rừng”- bà Chín Luận quả quyết.

Hôm tuột dốc núi Tô, chúng tôi nằm trên chiếc võng đu đưa được ông Chín Phát (50 tuổi) kể lại, trước đây, gần nhà ông có 1 con trăn to bằng bắp chân sống dưới tảng đá. Sáng nào, Chín Phát cũng thấy nó xuất hiện nằm cản ngang đường. Nhiều khi thấy trăn quấn gà ăn “ngọt sớt” mà không ai dám can thiệp.

“Thấy trăn càng to, ai cũng sợ. Sau đó, người ta đuổi nó đi. Sau này, trăn rút vào rừng sâu mất hút tới nay”- Chín Phát cho biết thêm. Thỉnh thoảng người dân chạy xe đưa rước khách lên xuống núi gặp trăn nằm cuộn tròn trên tảng đá phơi nắng. “Giờ đây, trên điện Đá Chuông vẫn còn trăn to nặng cả trăm ký. Lúc trước, có lần người ta thấy trăn quấn chó con rồi rút vào hang sâu”- Chín Phát nhớ lại.

Hiện nay, vùng Bảy Núi còn loài khỉ hoang rất nhiều. Một số nơi, người dân bực bội khi lũ khỉ thường xuyên phá phách đồ đạc. Theo thống kê của ngành kiểm lâm, loài khỉ hoang xuất hiện nhiều tại núi Kéc, núi Tô, núi Dài lớn, núi Cấm. Ông Sơn Đào (người sống trên núi Kéc) khẳng định, có trên 60 con khỉ hoang được bảo vệ nghiêm ngặt.

“Mặc dù chúng đập phá nhà cửa, nơi thờ tự, nhưng gia đình tôi vẫn bảo vệ chúng. Khách du lịch đến tham quan núi Kéc vừa vãng cảnh, vừa ngắm đàn khỉ giải trí. Nhiều con rất dạn, gần gũi với du khách” - ông Sơn Đào cho biết. Bên núi Dài, đàn khỉ di cư xuống triền núi cắn phá xoài, chuối của sơn dân. “Hôm cháy rừng, khỉ kéo xuống nhà dân cắn xoài, bẻ chuối nhà vườn. Khu vực núi Dài có khoảng 100 cá thể khỉ. Do cháy rừng lan rộng, thu hẹp môi trường sống nên khỉ xuống triền núi tìm thức ăn, nước uống sinh tồn” - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Huỳnh Hữu Thiện cho hay.

Mùa mưa, cây rừng đâm chồi, nảy lộc, đàn voọc kéo về núi Tô ăn lá cây. Bà con trên núi cho hay, lá cây non là món khoái khẩu của lũ voọc. Chúng không ăn trái cây mà chỉ ăn chồi non. Trước đây, vồ Hội, điện Hòa Thượng, sân Tiên chỉ xuất hiện vài con voọc bạc, nhưng được người dân trên núi ý thức bảo vệ. Đến nay, đàn voọc sinh sản tăng lên khoảng 16 cá thể. Hôm leo núi Tô, chúng tôi nhìn xung quanh rừng, những cây cổ thụ, dây leo, tổ quạ, phong lan vẫn còn tồn tại nhiều. Từ đó cho thấy, thảm thực vật trên đỉnh núi còn khá đa dạng. Vì vậy, núi Tô là “đất lành” để bầy voọc tìm thức ăn và sinh sản.

 

 

Ông Thành, người có biệt tài “thu phục” đàn voọc trên đỉnh núi Tô được bà con sơn dân đều biết. Sáng nào, đàn voọc cũng kéo đến trước nhà ông Thành ăn lá cây. Gặp ông Thành, đàn voọc vui mừng như gặp chủ nhân. Nhiều khi, du khách lên núi để lại ít cái bánh, gói mì, ông Thành mang ra cho chúng ăn.

“Loài này chỉ ăn lá cây rừng hoặc bánh ngọt, mì gói. Chúng không ăn trái cây như khỉ. Tại khu vực vồ Hội này, tôi còn bảo vệ đàn khỉ hoang hàng chục con. Ngày nào chúng cũng về đây tìm trái cây, bánh để ăn. Những tháng cao điểm lễ hội, lũ khỉ thường xuyên kéo đến vồ Hội trộm trái cây” - ông Thành tâm sự.

Giải pháp bảo vệ rừng

Ngoài bảo vệ rừng đồi núi, lực lượng chức năng ứng trực thường xuyên đối với khu rừng tràm Trà Sư và Tân Tuyến. Khó khăn trong việc bảo vệ rừng tràm bây giờ là hiện tượng cây tràm lâu năm bị ngã đổ, tỷ lệ phục hồi thấp. Hôm tham quan du lịch rừng tràm Trà Sư, chiếc vỏ lãi lướt nhanh như tên đưa chúng tôi xuyên rừng, quan sát xung quanh thấy hàng loạt cây tràm lớn ngã rạp nằm ngổn ngang.

Theo ngành chuyên môn, do đặc tính cây tràm cần phải xả khô nước trong 6 tháng để rễ bám sâu xuống đất. Khi gặp gió, thân cây đứng vững, không bị đỗ ngã. Ngoài ra, tại khu rừng tràm Tân Tuyến, hàng loạt cây tràm to cũng bị đổ ngã tương tự như bên khu rừng tràm Trà Sư.

Những năm gần đây, ngành kiểm lâm đã cố gắng bảo tồn động vật hoang dã tại các khu rừng tràm. Tuy nhiên, vẫn bị một số đối tượng lén vào rừng săn bắt chim, cò trái phép. Từ đầu năm đến nay, ngành kiểm lâm bắt giữ 1 đối tượng cùng tang vật và 5 con cò ốc quý hiếm, bàn giao Công an xã Văn Giáo xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, ngành kiểm lâm đã thu giữ, thả về tự nhiên 14 con nhen do các hộ dân săn bắt trái phép. Trong quá trình đi tuần tra, ngành kiểm lâm còn phát hiện 1 vụ khai thác rừng trái phép, với 13 cây giáng hương tại núi Phú Cường, đã bàn giao cho công an xử lý.

 

 

Từ đầu năm đến nay, ngành kiểm lâm duy trì công tác tuần tra, kiểm tra chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), phá rừng làm rẫy và chống săn bắt động vật rừng. Theo đó, đã tuần tra 306 đợt, với hơn 1.500 người tham gia. Để công tác bảo vệ, quản lý rừng hiệu quả, ngành kiểm lâm đã chi tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Thái Văn Nhân cho hay, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phương án quản lý bền vững rừng phòng hộ và đặc dụng vùng đồi núi tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2030 và thành lập khu rừng đặc dụng Tức Dụp. Bên cạnh, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài động vật hoang dã đến người dân nắm.

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh là 16.800ha, trong đó, rừng đặc dụng trên 1.800ha (chiếm gần 11% diện tích đất lâm nghiệp), rừng phòng hộ trên 11.445ha (chiếm 68% diện tích đất lâm nghiệp), rừng sản xuất 3.542ha (chiếm 21% diện tích đất lâm nghiệp)...

Rừng, đất rừng An Giang không lớn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền phát triển du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ cho quốc phòng - an ninh. Nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng và PCCCR của ngành kiểm lâm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tới đây, Chi cục Kiểm lâm An Giang tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với Chính phủ rà soát lại hệ thống chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp năm 2017 để nâng cao năng lực về bảo vệ rừng và PCCCR, đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp đối với lực lượng kiểm lâm và lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Ngoài ra, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, trang bị phương tiện bảo vệ rừng và PCCCR. Đồng thời, xây dựng đường băng cản lửa, kênh mương ngăn lửa, hệ thống cấp nước chữa cháy, chòi quan sát phát hiện cháy rừng, tháp quan trắc lửa rừng và các công trình phục vụ cho PCCCR.

Rừng là hệ sinh thái quan trọng, cân bằng môi sinh. Rừng cung cấp nhiều lợi ích cho con người và môi trường. Do đó, công tác bảo vệ rừng luôn là nhiệm vụ cấp bách không riêng ngành chức năng mà đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới