Giữ “lửa” nghề lưỡi câu
25/10/2024 13:25
Nghề làm lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên) được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2007. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, miền Trung và xuất khẩu sang Campuchia. Trước đây, làng nghề nhộn nhịp, theo thời gian dần thu hẹp, nhưng vẫn còn khá nhiều hộ giữ “lửa” với nghề.
Ông Nguyễn Văn Đon, nguyên trưởng khóm Tây Khánh 8, kể: “Lúc trước số hộ làm nghề đông lắm. Từ lúc tôi còn nhỏ, cả xóm làm cả ngày lẫn đêm, rôm rả lắm. Lợi nhuận sản xuất - kinh doanh của lưỡi câu cũng cao, nay dần mai một, bán chậm, do thị trường thu hẹp, lượng tiêu thụ ít. Thời cực thịnh, làng nghề hơn 180 hộ, chuyên sản xuất lưỡi câu, tạo việc làm thường xuyên cho cả ngàn lao động tại chỗ. Nhất là mùa nước nổi, không khí làm việc ở làng nghề nhộn nhịp, gần như nhà nào cũng có người làm lưỡi câu… Hộ có điều kiện, có vốn, mua dây, dụng cụ sản xuất làm tại gia đình và thuê thêm những hộ xung quanh làm các công đoạn. Cao điểm, hàng tháng, bình quân mỗi hộ sản xuất khoảng 50.000 lưỡi câu”.
Để làm ra lưỡi câu phải qua hơn 10 công đoạn: Vuốt dây thẳng, chặt dây, quay mũi, dập ngạnh, uốn, trui cho cứng lưỡi, xốc cho trắng… Bình quân một lao động làm nhanh tay, sỏi nghề, cũng kiếm được 200 - 300.000 đồng/ngày, giờ chừng 70 - 100.000 đồng/ngày.
Lưỡi câu được người dân làng nghề sản xuất quanh năm, nhưng mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm) mới là lúc thịnh. Bà Trần Thị Bạch chia sẻ: “Tôi theo nghề sản xuất lưỡi câu hơn 30 năm. Trước đây, cả gia đình 5 người làm, còn thuê thêm vài thợ phụ, thu nhập khá. Nghề này giúp gia đình tích cóp mua đất ruộng. Gần đây, đất ruộng được Nhà nước quy hoạch lên khu dân cư, nên tăng giá trị đất, gia đình sống rất khỏe”. Dù vậy, trên 30 năm theo nghề và hơn 70 tuổi nhưng bà Bạch vẫn còn giữ “lửa” với nghề, tay vẫn thoăn thoắt thực hiện quay máy làm lưỡi câu.
Sản phẩm lưỡi câu của làng nghề Mỹ Hòa nổi tiếng chắc, bền, sắc nhọn, nhiều chủng loại, đáp ứng nhu cầu đánh bắt cá trên đồng nước, trên sông và trên biển của ngư dân, nên được các đại lý tín nhiệm đặt hàng thường xuyên. Ông Nguyễn Ngọc Điệp, chủ Cơ sở sản xuất lưỡi câu Ngọc Điệp chia sẻ: “Hiện cơ sở sản xuất bình quân 30.000 lưỡi câu các loại/ngày, hàng chục loại lưỡi câu, nhiều mẫu mã, chủ yếu bán sỉ cho đại lý. Hơn 30 năm thành lập cơ sở sản xuất lưỡi câu, nếm trải thăng trầm, tôi vẫn quyết tâm giữ lửa, bám trụ với nghề”.
“Mỗi năm, tới mùa nước về, một số bà con còn trụ lại với nghề, vẫn kiếm sống được. Thu nhập lao động chính 100.000 đồng/ngày, thợ phụ rảnh rỗi làm phụ thêm cũng 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Đặc biệt, không kén lao động. Sáng chiều làng nghề vẫn vang lên âm thanh của tiếng máy mài giũa, tiếng máy cán thép, tiếng búa dập lưỡi câu”- ông Điệp cho biết.
Làng nghề hình thành lâu, giờ không được phát triển, do nhu cầu khách hàng ngày càng ít, đồng ruộng bị thu hẹp, cá cũng ít. Dù lợi nhuận sản xuất lưỡi câu không cao, từ 10 - 15% sau khi trừ chi phí, chủ yếu giải quyết lao động nhàn rỗi của địa phương. Thế nhưng, vẫn còn những người tâm huyết như chú Điệp, ông Xu, ông Tấn, bà Bạch… bám trụ theo nghề với một lòng tin: Còn nước, còn cá, còn làng nghề.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!