Gặp lại Duy Chương
07/03/2024 16:46
Lúc được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạc Quới (Bộ đội Biên phòng An Giang) nhận nuôi, Nguyễn Văn Duy Chương mới 5 - 6 tuổi. Cậu bé gầy gò, mồ côi cha mẹ, chỉ biết bám víu vào bà ngoại lớn tuổi. Sau 5 năm, cuộc sống của Chương đã đổi khác hoàn toàn, lớn lên trong sự thương yêu của những “người cha đặc biệt”.
Đã vài lần đến Đồn Biên phòng Lạc Quới (huyện Tri Tôn) thăm cháu ngoại, nhưng hôm nay, lần đầu tiên bà Trần Thị Nhứt (82 tuổi) bước vào “Phòng con nuôi”. Căn phòng nhỏ, ánh sáng tràn vào vừa đủ, là nơi Chương sinh hoạt, học tập mỗi ngày. Bên cạnh chiếc giường cá nhân, tủ quần áo đơn giản của doanh trại bộ đội, chiếc bàn học của Chương nổi bật hẳn. Bà ngồi ở góc giường, chăm chú lắng nghe cháu học bài. Hạnh phúc nhỏ bé này là điều bà luôn mong ước!
Con gái bà vắn số, qua đời khi còn rất trẻ. Thương cháu ngoại côi cút, bà mang về nuôi dưỡng. Lúc đó, bà hơn 70 tuổi, sức yếu, lực kiệt, nhưng cứ tự an ủi: Lây lất qua ngày, tới đâu hay đó. Chương lớn lên từ bữa cơm chan nước tương, nước lạnh cùng bà. Giấc ngủ của 2 bà cháu cũng chập chờn, tạm bợ trong chòi nhỏ trên đất người khác. Bà sợ, một ngày nào đó, “sinh, lão, bệnh, tử” mang bà đi, Chương sẽ côi cút giữa cuộc đời.
Rồi một ngày, mọi buồn đau, lo lắng của bà được hóa giải, khi Chương được cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngỏ lời nhận nuôi. Quá trình nuôi dưỡng thể hiện bằng nhiều thủ tục, cam kết rõ ràng, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Đổi lại, Chương tạm rời xa bà, vào đồn biên phòng ở - đồn chỉ cách đó vài trăm mét.
“Tôi ở một mình, tự chăm sóc bản thân bằng “tiền người già”, có bảo hiểm y tế, hàng xóm cũng nhiệt tình chăm sóc. Bởi vậy, dù phải xa cháu, tôi vẫn rất yên lòng. Chương được nhiều chú bộ đội chăm sóc, dạy dỗ, được học hành đàng hoàng. Cuối tuần, Chương về thăm tôi, quấn quýt kể hết chuyện này chuyện kia”.
Bà tấm tắc khen chỗ ở của Chương gọn gàng, sạch sẽ, dặn cháu: “Con phải ngoan ngoãn, nghe lời mấy chú bộ đội, chịu khó ăn học để sau này đỡ khổ”. Cậu bé còn nhỏ, đôi lúc ham chơi quên lời dặn. Nhưng bà tin, dưới sự kèm cặp của cán bộ, chiến sĩ trong đồn, Chương sẽ lớn lên thật tốt, có tương lai tươi sáng, xua đi những cảnh khổ ảm đạm bà đã trải qua.
Chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều, bởi bản thân bà đã được hỗ trợ đất, nhà ở kiên cố. Mỗi năm, Chương có chế độ của “con nuôi”, gồm tiền nuôi dưỡng (4,8 triệu đồng). Cán bộ, chiến sĩ còn đóng góp hàng tháng để dành một khoản tiền làm sổ tiết kiệm cho cậu bé. Đến khi hoàn thành bậc học THCS, Chương sẽ tiếp tục được chăm lo bằng chương trình “Nâng bước em đến trường”.
Không còn là cậu bé nhỏ xíu ngày nào, giờ Chương đang học lớp 5, cao ráo và tròn trịa hơn nhiều. Hơn 4 năm sống trong đồn, Chương quen giờ giấc sinh hoạt như cán bộ, chiến sĩ, biết phụ giúp, vệ sinh đơn vị.
“Tôi được phân công trực tiếp kèm cặp, dạy dỗ Chương 3,5 năm qua. Cậu bé khá hoạt bát, nhưng học tập chưa tập trung. Tính tình em thay đổi khá nhiều, chững chạc hơn phần nào. Chúng tôi cố gắng cùng học, cùng chơi để Chương đỡ áp lực, song song với rèn luyện tính cách để em ngày càng tuân thủ nền nếp, kỷ luật, có ý thức tự giác học tập hơn” - trung úy Chau Kum Sil (Đội trưởng Vận động quần chúng) cho biết.
Chương bẽn lẽn kể mấy “tật xấu” của mình cho tôi nghe: Học chưa tốt môn tập làm văn, bị cô giáo “mắng vốn” vì hay nói chuyện trong lớp… Nhưng gương mặt em toát lên thần sắc tươi vui, ngây thơ đúng độ tuổi, chứng tỏ em đang sống rất tốt trong môi trường đặc biệt, dần vượt qua nghịch cảnh thuở nhỏ. Đó cũng là mục đích duy nhất những "người cha quân hàm xanh" nơi đây hướng đến, khi triển khai chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”. Hy vọng, hoạt động ý nghĩa này sẽ tiếp tục được nhân rộng, sẽ có thêm nhiều hoàn cảnh được chở che, chăm sóc.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa