Đường lên núi Cậu
06/11/2024 15:54
Tiếp tục những chuyến đi theo niềm đam mê, tôi quyết tâm chinh phục đỉnh núi Cậu (phường An Phú, TX. Tịnh Biên) với mong muốn được khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Dù không nằm trong bảy ngọn của Thất Sơn hùng vĩ, núi Cậu vẫn sở hữu khung cảnh hữu tình và huyền thoại tâm linh độc đáo.
Chặng đường ngược dốc
Dù đã chinh phục nhiều ngọn trong dãy Thất Sơn, nhưng đây là lần đầu tiên tôi lên núi Cậu. Chưa được phát triển du lịch nên đường đi còn khá hoang sơ, chỉ là lối mòn nhỏ chạy luồn dưới tán cây. Để lên đến đỉnh núi bằng lối mòn này, bạn phải có đủ sức khỏe và sự quyết tâm.
Mùa mưa, đường lên núi khá trơn, rêu phủ đầy mặt đá. Có đoạn, lối đi thu hẹp chỉ bằng viên gạch nằm ngang. Có những đoạn cũng chẳng lót gạch hay xây bậc thang, nên người đi phải bấu víu vào cây cỏ để bước lên. Dù có mệt, nhưng việc chinh phục núi Cậu theo cách hoang sơ này là trải nghiệm đặc biệt, khiến những ai ưa “chủ nghĩa xê dịch” cảm thấy thích thú.
Núi Cậu với khung cảnh đậm vẻ hoang sơ
Vì chinh phục núi Cậu vào thời điểm ban trưa, trùng thời điểm vắng khách hành hương nên tôi trở thành người độc hành. Giữa khung cảnh hoang sơ, tiếng bước chân thình thịch của tôi là âm thanh duy nhất. Có những đoạn, tôi phải chui qua tán lá rừng phủ ngang đầu như một “căn hầm”. Trên đầu, bóng nắng không xuyên tới. Dưới chân, dốc càng lúc càng dựng đứng. Có những đoạn, tôi vừa đi, vừa bấu tay vào bậc thang trước mặt để bò lên. Mấy con chiếu núi to cỡ ngón tay út người lớn bò ngang khiến tôi giật mình, dù loài vật này đối với tôi không xa lạ.
Trong quá trình lên núi Cậu, do không có bạn đồng hành nên tôi bị lạc đường mấy lần. Lối mòn dẫn tôi đến ngôi miếu nhỏ nằm thoi loi bên triền đá trơn láng. Đi đến đây, tôi hơi bối rối, bởi không còn thấy lối mòn nữa, trong khi trước mặt là tảng đá dựng đứng. Quay trở lại, tôi mới tìm ra con đường khác để tiếp tục lên núi. Ở những đoạn cây lá um tùm, tôi gặp “bạn đồng hành khó chịu” là đám muỗi rừng. Chúng lèo xèo bu theo tôi, cứ như đang đi “ăn tiệc”!
Dò dẫm mãi, tôi mới lên đến đỉnh núi Cậu. Trên đỉnh, chỉ có ngôi miếu nhỏ duy nhất thờ Bà Chúa. Đỉnh núi là chóp nhọn của một tảng đá nên diện tích không quá lớn, chỉ đủ cho vài người hành lễ cùng lúc. Tuy nhiên, khung cảnh trên đỉnh núi rất hữu tình, có thể bao quát thiên nhiên vào tầm mắt. Xa xa, về phía biên giới là cánh đồng còn ngập nước. Sau lưng tôi là rất nhiều ngọn núi hùng vĩ xen lẫn cánh đồng thốt nốt, tạo nên bức tranh tuyệt tác. Đây là phần thưởng xứng đáng cho quá trình lặn lội từ chân núi lên đến nơi cao nhất này của khách bộ hành.
Huyền thoại tâm linh
Dù không quá hùng vĩ, nhưng núi Cậu lại mang trong mình những huyền thoại tâm linh độc đáo. Trên núi Cậu cũng có sân Tiên, với rất nhiều tảng đá nhỏ có hình thù khác nhau. Một anh bạn (dân địa phương, đang nằm nghỉ lưng tại đây) cho biết, khu vực sân Tiên ngày thường thưa vắng khách, chỉ đông đúc vào dịp rằm hoặc cuối tháng. Đến mùa hành hương, khách phương xa đến đây theo đoàn, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp.
Tại sân Tiên, có nhiều ngôi miếu nhỏ, nhưng nổi bật nhất là miếu thờ cậu Tài - cậu Quý. Theo lời bà Lương Thị Ngọc Út, cư dân sống gần núi Cậu, trước kia có người ở Châu Đốc vào núi cúng vái ông Cậu, sau làm ăn khấm khá nên thuê người vác vật liệu lên sân Tiên lập miếu thờ. Ngoài ra, người ta cũng truyền miệng nhau về giai thoại các vị tiên từng đến đây chơi cờ, chọi gà. Những hòn đá nhỏ nằm rải rác trên sân Tiên có hình tượng hao hao bộ bàn ghế là minh chứng cho giai thoại đó.
Ngôi miếu thờ Bà Chúa trên đỉnh núi
Ngoài sân Tiên, trên núi Cậu có rất nhiều ngôi miếu nhỏ, nằm ở các khu vực khác nhau. Mỗi ngôi miếu thờ một vị thần linh, đa phần tương đồng với núi khác trong vùng Bảy Núi, như miếu Ngũ Hổ, miếu Sơn Thần và cả tấm trần điều theo tín ngưỡng của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Cũng theo lời bà Út, ngoài huyền thoại liên quan đến các vị tiên thánh trong tín ngưỡng dân gian, núi Cậu còn có chiếc hang đặc biệt, được gọi là hang Chén Kiểu. Tương truyền rằng, khi xưa trong hang có rất nhiều chén dĩa bằng kiểu rất đẹp. Người dân sống quanh núi Cậu thường đến đây khấn vái, “mượn tạm” chén dĩa về sử dụng khi gia đình có đám tiệc. Khi đám xong, họ mang lên núi trả lại cho hang. Tuy nhiên, một số người thất hứa, khiến số lượng chén dĩa hao hụt nhiều. Về sau, miệng hang khép lại, không ai có thể mượn thêm số chén dĩa nào. Đến bây giờ, câu chuyện huyền thoại đó vẫn còn mang giá trị giáo dục người ta về chữ tín, diệt bỏ lòng tham đối với những thứ không thuộc về mình.
Chia tay bà lão, tôi vẫn còn ấn tượng với ngọn núi có hình thù đặc biệt này. Nếu có dịp, bạn nên đến đây để trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, để yêu quý hơn mảnh đất An Giang non nước hữu tình.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!