Dấu xưa ở hiện tại

14/06/2024 15:40

Như bao ngôi đình thần khác ở miền Tây sông nước, đình thần Châu Phú (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) mang vẻ hoài cổ, phủ đầy thăng trầm thời gian. Mỗi một không gian trong đình đều hằn sâu vết tích người xưa, chuyện đã rõ xen lẫn với chuyện chưa rõ, dệt nên bức màn hư thực…

Nằm ở nội ô phường Châu Phú A, mặt hướng về ngã ba sông, đình thần Châu Phú được xem là một trong những ngôi đình đẹp nhất ở miền Tây Nam Bộ. Nơi đây thờ 2 vị thần: Thượng đẳng Thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Trung đẳng Thần Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại.

Theo Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, đình được xây dựng vào khoảng năm 1820 - 1828, do Thoại Ngọc Hầu xây dựng trước khi đào kênh Vĩnh Tế để thờ cúng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đình được đặt tên là Trung Nghĩa Từ, nhưng do đóng vai trò là đình làng ngày xưa tại làng Châu Phú, nên người dân hay gọi là đình Châu Phú, giữ mãi tên ấy đến bây giờ. Sau Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, nhân chuyến đến tham quan TP. Châu Đốc, du khách có thể trải nghiệm, tham gia Lễ kỳ yên đình Châu Phú (ngày 10 - 13/5 âm lịch).

 

 

Năm 2008, đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Theo nghiên cứu của tác giả Lâm Thanh Quang, nhiều truyền thuyết để lại, ngôi đền đầu tiên được người dân làng Châu Phú xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XIX. Vua Gia Long lên ngôi, đưa người dân ở Ngũ Quảng vào khai phá vùng đất mới này.

Họ cùng với người Hoa (sinh sống tại đây) góp sức xây dựng ngôi miếu nhỏ bằng tre lá, gọi là miếu Lễ Công, cử người ra triều đình Huế xin sắc phong. Quá trình xây dựng được sự tài trợ của ông Lê Công Thoàn (người gốc Thanh Hóa vào đây lập nghiệp). Vua Gia Long chuẩn y, sắc phong Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thượng Đẳng Thần vào tháng 8 năm Ất Sửu 1805.

Vào năm 1922, khi xây cất bệnh viện Châu Đốc, chính quyền Pháp thương lượng với họ tộc Lê Công và người dân làng Châu Phú, dời ngôi đình sang nơi khác. Ngôi đình mới xây dựng ròng rã 3 năm, đến năm 1926 hoàn thành. Gỗ quý làm cột được nhập về từ Campuchia, còn gạch ngói âm dương và tượng long lân trên nóc đình được mua về từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Đặc biệt, việc xây dựng đình có sự thống nhất của triều đình Huế, giấy phép xây dựng đình được nhà vua cấp về cho người dân làng Châu Phú. Đình có kiến trúc hình chữ quốc, mái lợp ngói âm dương màu đỏ. Trên nóc có gắn các tượng sành mang hình long, lân, cá lý ngư, lưỡng long chầu nguyệt...

Trong đình thờ Tả Ban và Hữu Ban. Bàn thờ Tiền hiền Lê Công Thoàn ở vị trí bên phải, còn bàn thờ Hậu hiền Lê Công Bích ở bên trái phía ngoài cùng. Tương tự như các đình khác ở Nam Bộ, hai hàng lỗ bộ sơn son thếp vàng được cắm trên giá đặt ở 2 bên gian thờ chính. Những binh khí này sẽ được các học trò lễ mang theo trong lễ thỉnh sắc thần cùng với ngôi long vị được đặt ở chính giữa đình.

Buổi sáng, ông Lý Minh Nhỏ (tên thường gọi là Mạnh, sinh năm 1971) bận rộn làm những công việc thường nhật của từ đình, như: Pha trà, thắp nhang, quét dọn đình, đón tiếp khách đến tham quan, cúng bái. “Tôi là từ đình đời thứ 3 trong gia tộc, sau ông nội và cha tôi. Thời thơ ấu của tôi gắn liền với đình, theo chân người lớn phụ việc trong đình, ai kêu gì làm nấy. Tôi nhớ kỹ từng đầu công việc, đủ cơ duyên được bầu chọn tiếp nối vị trí của người đi trước. Hơn 1.500m2 đất quản lý của đình, tôi đều thuộc nằm lòng. Gần 100 năm qua, đình vẫn giữ được phần lớn kiến trúc thuở ban đầu. Cách 1 - 2 ngày, tôi lại quét dọn, lau chùi từng chút một, không đợi bụi bặm phủ đầy” - ông Nhỏ bắt đầu câu chuyện trong không gian tĩnh mịch của đình.

Không biết chữ Hán Nôm, nhưng thời gian gắn bó mấy mươi năm đủ giúp ông đọc vanh vách, giải nghĩa cặn kẽ từng chữ được chạm trổ bên trong. Ông cũng có thể kể được câu chuyện của từng món kỷ vật dần mòn theo năm tháng. Ông biết rất rõ vị trí nào đã bị xuống cấp, mối mọt, chỗ nào còn nguyên vẹn, chưa từng xê dịch.

Ông vừa chỉ từng nơi, vừa thán phục tài hoa, trí tuệ của người xưa, chăm chút kỳ công để lưu truyền kiến trúc quý giá cho hậu thế: “Phần gỗ thì chắc chắn, càng để lâu càng đẹp. Cổng đình được xây dựng khéo léo, đồng thanh đồng thủ. Hoành phi liễn đối nguyên vẹn, những chỗ sơn son thiếp vàng vẫn ánh lên màu sắc tươi mới, dù trăm năm trôi qua. Cả 3 nền văn hóa Việt - Pháp - Hoa được đan xen, tạo nên công trình kiến trúc nghệ thuật hài hòa”.

Đình Châu Phú đối với ông Trần Văn Minh (quê ở TX. Tân Châu) là chốn đặc biệt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 14 tuổi, ông trôi dạt về Châu Đốc, được cho tá túc tại đình. Một lần tá túc kéo dài 15 năm, mãi đến khi ông lập gia đình, có nhà cửa ổn định. Suốt từ lúc tá túc đến nay, ông cần mẫn phụ giúp quét dọn, hương khói, lau chùi linh vị, binh khí…

“Nếu sau trận lũ lụt năm xưa, không được cưu mang cơm nước, chỗ ngủ tại đình, không biết giờ này cuộc sống tôi thế nào. Ơn nghĩa ấy, tôi mang theo trong lòng, sẵn sàng tới lui hỗ trợ Ban Quý tế đình bất cứ khi nào” - ông Minh tâm sự.

 

 

Trong tiếng chuông trầm vang, bà Trần Thị Xuân Hồng thành kính cúi lạy, van vái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Bà Hồng kể: “Tôi buôn bán ở gần đây, thường xuyên tới lui cúng vái. Đối với gia đình tôi, đình thần Châu Phú là nơi rất thiêng liêng, có thể hóa giải mọi gút mắc, buồn vui gặp phải.

“Ngẩng đầu ba thước có thần linh”, chúng tôi kính trọng Thượng đẳng Thần bởi người đã có công giữ nước, mở rộng bờ cõi, mang lại cuộc sống bình yên, trù phú cho con cháu đời sau”. Tín ngưỡng dân gian hòa quyện với tín ngưỡng anh hùng dân tộc, trở thành câu chuyện mộc mạc, giản dị theo góc nhìn của một phụ nữ tảo tần mua bán như thế.

Không có gì thắng nổi thời gian. Đình thần Châu Phú đã có dấu hiệu xuống cấp, khi mối mọt lần lượt cắn phá, những vết nứt xuất hiện nhiều hơn trên gỗ, trên tường. Cần một đợt “đại trùng tu” cẩn thận thì ngôi đình mới có thể trường tồn lâu dài hơn. Đó là ước mong lớn nhất của ông Nhỏ và những người dân gắn bó mật thiết với đình, với những vị thần khai thiên lập địa thuở trước.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới