Chuẩn bị chu đáo lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế
08/11/2024 11:33
Ngày 14/11, An Giang sẽ long trọng tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai", Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024), tưởng niệm 198 năm ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 - 2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân với các bậc tiền nhân đã có công mở cõi.
Kênh Vĩnh Tế. Ảnh: N.A
Hoạt động hướng đến tôn vinh giá trị lịch sử, giá trị thời đại của kênh Vĩnh Tế - kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất nước Việt Nam. Đây là công trình thủy lợi mang tính chiến lược, có vai trò trọng yếu trên lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Theo các nghiên cứu, kênh Vĩnh Tế được khơi đào bằng sức lao động của hàng chục ngàn dân phu và binh lính, trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt ở biên thùy.
Với chiều dài 87km, kênh nối liền bờ Tây sông Châu Đốc (tỉnh An Giang) và sông Giang Thành (thuộc TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Kênh Vĩnh Tế do Danh thần Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy, khởi công năm 1819 dưới triều Vua Gia Long; hoàn thành năm 1824 dưới triều vua Minh Mạng. Kênh Vĩnh Tế thể hiện tầm nhìn chiến lược của cha ông ta trong việc phát triển sản xuất, giao thương và bảo vệ chủ quyền biên giới. Đến nay, kênh Vĩnh Tế vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cung cấp nước ngọt và phù sa cho ngành nông nghiệp An Giang lẫn vùng tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, kênh còn là nơi đón dòng nước lũ từ sông Mekong, mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào.
Kiểm tra tiến độ tổ chức sự kiện
Ngày 6/11, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tiến độ, rà soát công tác tổ chức sự kiện này. Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết: "Hội thảo khoa học cấp quốc gia "200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai" diễn ra lúc 7 giờ 30 phút, ngày 14/11, tại Hội trường Thành ủy Châu Đốc, được livestream trên nền tảng số của Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, quy tụ khoảng 350 đại biểu Trung ương, tỉnh và thành phố tham dự".
Đến nay, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tiếp nhận 82 bài tham luận của nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia; cơ quan, đơn vị. Tiểu ban chuyên môn thẩm định nội dung tham luận, lựa chọn 50 bài in kỷ yếu hội thảo, chọn 7 bài tham luận trình bày tại hội thảo.
Lễ kỷ niệm diễn ra lúc 20 giờ, ngày 14/11, tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc), với 800 đại biểu dự, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, nền tảng số của đơn vị và Báo An Giang. Đây là dịp quảng bá, giới thiệu về hình ảnh vùng đất, con người, các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của quê hương An Giang đến với du khách trong và ngoài nước, thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Công tác tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm được UBND TP. Châu Đốc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và các đơn vị liên quan phối hợp khẩn trương thực hiện theo kế hoạch. Các hoạt động: Truyền thông, văn hóa, văn nghệ, triển lãm, thể thao, ẩm thực, hội thi, hội diễn… được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng kết luận buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng biểu dương, đánh giá cao công tác chuẩn bị của sở, ngành tỉnh, UBND TP. Châu Đốc, các cơ quan, đơn vị. Đồng thời đề nghị, từ nay đến khi diễn ra sự kiện, tất cả phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung rà soát đầy đủ, chu đáo mọi nội dung. Ban Tổ chức lễ cần chuẩn bị kỹ lưỡng hội trường, trang trí, tài liệu hội thảo, kịch bản chương trình, an ninh trật tự, lễ tân, hậu cần, y tế, khánh tiết…
Tiểu ban Tuyên truyền đẩy mạnh tuyên truyền trước, trong và sau sự kiện, tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân. TP. Châu Đốc ra quân tổng vệ sinh khu vực diễn ra sự kiện nói riêng, toàn thành phố nói chung, nhằm tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, lưu lại ấn tượng tốt đẹp về thành phố du lịch của tỉnh với đại biểu, Nhân dân đến dự sự kiện. Các tiểu ban tiếp tục hoàn thiện phần việc được giao, đảm bảo tiến độ, quy mô, hiệu quả; chủ động phương án dự phòng, an ninh trật tự, giúp chuỗi sự kiện diễn ra chu đáo, trang trọng, thành công tốt đẹp.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!