Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại TX. Tịnh Biên

21/05/2024 15:42

TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) triển khai các hoạt động vận động, khuyến khích người nhận chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp... qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, phối hợp mở tài khoản ATM và chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng.

Nhiều đối tượng được chi trả thông qua thẻ ngân hàng

Cùng với TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên là địa phương được lựa chọn thí điểm việc chi trả không dùng tiền mặt chính sách trợ giúp xã hội đối tượng bảo trợ xã hội theo Kế hoạch 360/KH-UBND, ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Lâm Văn Bá cho biết, địa phương chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp UBND 14 xã, phường tổ chức rà soát, thu thập thông tin của các nhóm đối tượng, vận động tuyên truyền mở tài khoản nhận trợ cấp. Trong đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, rà soát và cập nhật thông tin của đối tượng.

Ngoài ra, UBND thị xã triển khai Công văn 5572/VPUBND-KGVX, ngày 10/10/2023 của Văn phòng UBND tỉnh về việc kéo dài thời gian thí điểm thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề để đánh giá tình hình triển khai thực hiện trên địa bàn thị xã.

Được sự quan tâm hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH, các ngành liên quan, công tác này được đảm bảo đúng tiến độ, đạt yêu cầu đề ra. Tính đến ngày 31/3/2024, toàn thị xã có 5.725 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng hưởng trợ cấp hàng tháng, kinh phí trên 3,1 tỷ đồng.

 

Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên làm việc với các đơn vị liên quan về việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội

 

Trong đó, 3.115 người có thể mở được tài khoản, chiếm 54,4%; 2.461 người đã mở tài khoản, chiếm 79% số đối tượng có thể mở được, gần 43% đối tượng trợ cấp hàng tháng. Từ tháng 7/2023 đến 31/3/2024, đã chi trả trợ cấp cho 9.084 lượt đối tượng nhận trợ cấp qua tài khoản, kinh phí gần 4,7 tỷ đồng. Trong số đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng, có 2.601 đối tượng không mở tài khoản, chủ yếu là: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người cao tuổi, người tâm thần, người bị mất giấy tờ tùy thân...

Nhiều giải pháp trọng tâm

Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa cho biết, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thị xã gặp nhiều thuận lợi. Đó là do nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh; sự hướng dẫn, hỗ trợ về công tác chuyên môn kịp thời của Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng Nam Á chi nhánh An Giang, các ngành liên quan; sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo UBND 14 xã, phường. Công tác kiểm tra, giám sát, cập nhật tiến độ mở tài khoản cho đối tượng của ngành chuyên môn, UBND xã, phường được thực hiện thường xuyên. Cùng với đó là sự hưởng ứng, đồng tình ủng hộ của một số người dân trong thực hiện chủ trương chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Mặc dù Trung ương, tỉnh, thị xã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng vẫn còn một vài tồn tại, hạn chế. Công tác mở tài khoản chi trả an sinh xã hội vẫn còn chậm do hầu hết đối tượng thuộc nhóm này là người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Nhiều đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở xã khó khăn, gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận chuyển đổi số. Ngoài ra, Bưu điện thị xã còn hạn chế trong việc phối hợp Phòng LĐ-TB&XH; UBND xã, phường; Ngân hàng Nam Á.

Bên cạnh đó, việc chi trả trợ cấp cho đối tượng qua tài khoản chưa tinh gọn so với hình thức nhận tiền mặt. “Khi đi nhận trợ cấp, đối tượng phải mang theo điện thoại thông minh có tin nhắn thông báo, căn cước công dân và phải đích thân đối tượng đến nhận. Sau khi đối chiếu thông tin của đối tượng, nhân viên chi trả mới tiến hành chi trả cho đối tượng. Điều này gây mất nhiều thời gian hơn so với hình thức nhận tiền mặt vì đối tượng chỉ cần mang sổ lĩnh tiền và căn cước công dân đến ký nhận trợ cấp là về được ngay” - bà Lý Kim Thoa thông tin thêm.

Đa số đối tượng bảo trợ xã hội không có hoặc không biết sử dụng điện thoại thông minh, phải nhờ người thân hỗ trợ. Riêng người khuyết tật đặc biệt nặng đã mở tài khoản, gặp khó khăn trong đi lại không thể đến nhận trợ cấp và không thể ủy quyền cho người thân (do ngành tư pháp yêu cầu cả 2 bên có mặt tại UBND xã, phường).

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, TX. Tịnh Biên sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục mở tài khoản cho các đối tượng mới phát sinh để nhận trợ cấp qua tài khoản trong tháng liền kề. Đồng thời, nghiên cứu, có biện pháp rút ngắn thời gian chi trả cho đối tượng qua tài khoản. Tránh trường hợp phải chờ đợi lâu, giúp các đối tượng dễ dàng hơn trong quá trình nhận tiền, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

UBND TX. Tịnh Biên đề nghị Ngân hàng Nam Á chuyển sang mở thẻ ATM cho những đối tượng bảo trợ xã hội còn lại (đối tượng có nhu cầu). Đồng thời, khảo sát, phát triển chi nhánh giao dịch hoặc gắn trụ ATM tại địa bàn tập trung đông dân…

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới