Cha mẹ không để lại di chúc, di sản thừa kế chia theo pháp luật
22/05/2024 15:11
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng (sinh năm 1971, ngụ ấp Hiệp Thạnh, xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân) cho biết, chị của bà huy động hàng chục người đến tháo dỡ nhà, phá hoại nơi cải táng hài cốt của cha mẹ. Bà làm đơn khiếu nại, tố cáo vụ việc, nhưng chưa được xem xét giải quyết.
Phản ánh vụ việc đến Báo An Giang, bà Phượng cho biết, sinh thời, cha mẹ bà (ông Nguyễn Thành Tâm, bà Trần Thị Vơi) sử dụng 242,7m2 đất ở nông thôn. Ngày 19/2/2002, UBND huyện Phú Tân cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02993QSD/rC. Trên mảnh đất cất 2 căn nhà gỗ liền kề, trong đó, 1 căn nhà do gia đình bà cùng đứa em trai (bị thiểu não, khuyết tật) sinh sống; ngôi nhà ở kế bên là phủ thờ, có 2 ngôi mộ được cải táng. Trước đây, bà và anh chị em nhiều lần đóng góp sửa chữa, tu bổ ngôi nhà.
“Chị Nguyễn Thị K.T. (sinh năm 1969) dù ở tận Đồng Nai, vài lần về thăm nhà thường "dòm ngó" đến miếng đất của cha mẹ để lại, vì miếng đất này không lập di chúc. Năm 2021, 12 anh chị em không đồng ý phân chia di sản, nhưng chị T. không nghe, khởi kiện đến tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế. Nếu phân chia thì số đất quá nhỏ, phủ thờ có mộ phần của cha mẹ, lại nuôi em trai út bị khuyết tật, tôi và anh chị em phản đối, nhưng chị T. không rút đơn. Đến khi có quyết định của bản án, chị T. cùng hàng chục người đến tháo dỡ nhà, gây náo loạn cả khu vực. Tôi yêu cầu giữ lại ngôi nhà để ở cùng chăm lo cho em trai, giữ lại phủ thờ để hàng ngày nhang khói cho ông bà, cha mẹ, làm nơi để bà con, anh chị em tập hợp khi làm đám giỗ. Đồng thời, khiếu nại, tố cáo chị T. và đối tượng tháo dỡ nhà nhưng chưa được xem xét giải quyết” - bà Nguyễn Thị Bích Phượng đề nghị.
Thông tin về sự việc, bà Nguyễn Thị K.T. cho biết, trước đây, cha mẹ bà cất ngôi nhà cây gỗ, chiều ngang 10m, chiều dài 10m. Năm 1994, mẹ cất nhà tre lá ngang 3m, dài 6m. Đến năm 2005, thấy ngôi nhà xuống cấp nặng, bà mua nhà cũ gỗ thao lao, trị giá 24 triệu đồng, sau đó giao nhà cho bà Bích Phượng quản lý, trông coi. Năm 2007, khi Nhà nước mở rộng chỉnh trang lộ giới, bà đã chi trên 16 triệu đồng di dời nhà ở cặp đường của bà Phượng cất trên đất cha mẹ.
Năm 2012, em trai Nguyễn Thanh Hòa bị điện giật, thường bị động kinh, người chị lớn Nguyễn Kim L. cũng về nhà cùng bà Phượng chăm lo em trai. Cuối năm 2017, bà Phượng và một số anh chị em sửa chữa lại ngôi nhà. Đến cuối năm 2018, bà lên tiếng với anh chị em, nếu đồng ý giao đất cho bà thì bà sẽ chi cho mỗi người 30 triệu đồng, cất mới nhà, nhưng các em không đồng ý, đòi nâng giá lên 100 triệu đồng... Đất là của cha mẹ để lại, đã bỏ tiền tu bổ, sửa chữa nhà, thỉnh thoảng về thăm viếng nhà nhưng bà bị lạnh nhạt, thậm chí bị xua đuổi không cho vô nhà. Bà yêu cầu pháp luật chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại.
Chia di sản thừa kế là những vụ tranh chấp tài sản có yếu tố quan hệ trong gia đình, giữa những người thân thuộc, trong đó, thường ẩn chứa sự kiện pháp lý, thể hiện nhiều góc độ ở bên trong. Bản án 24/2022/DS-ST, ngày 10/12/2022 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân về việc “Tranh chấp chia thừa kế tài sản và đòi lại tài sản” có hiệu lực pháp luật. Theo bản án, di sản thừa kế của cha mẹ để lại, không để lại di chúc. Cụ thể, di sản được chia thành 11 phần, trị giá gần 34 triệu đồng, 1 kỷ phần gần 3,1 triệu đồng. Đối với bà Nguyễn Thị K.T., được hưởng 5 kỷ phần (anh chị em nhường lại), ông Nguyễn Thanh Hòa 2 kỷ phần, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, bà Thoảng, ông Nhiều, ông Phong mỗi người hưởng 1 kỷ phần.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư An Giang) cho biết, trước hết, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản thừa kế là bảo đảm (30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản), bà Trần Thị Vơi chết năm 2005. Do cha, mẹ đương sự đều đã chết không để lại di chúc, các đồng thừa kế không tự thỏa thuận được nên di sản của ông Tâm, bà Vơi sẽ được chia theo pháp luật. Trong đó, tất cả anh chị em đương sự là những người đồng thừa kế, thuộc hàng thừa kế thứ nhất, áp dụng đối với những trường hợp như: Không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc...
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác, trường hợp này là di sản duy nhất của người chết. Bà Bích Phượng cho rằng ngôi nhà bà ở và nhiều anh chị em đóng góp xây dựng, sửa chữa, tu bổ thì chứng minh, xác định để pháp luật xem xét giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho bà và người có liên quan. Đối với khiếu nại, tố cáo người chị và đối tượng tháo dỡ nhà, bà làm đơn hoặc trực tiếp báo cáo sự việc đến UBND địa phương, cơ quan chức năng.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới