Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời cử tri An Giang
04/03/2024 17:47
Hiện nay, tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm hoặc việc làm không phù hợp với chuyên ngành đào tạo dẫn đến lãng phí nguồn lực. Kiến nghị nghiên cứu tổng thể, chi tiết thực trạng vấn đề và giải pháp khắc phục tình trạng này; thực trạng cơ sở vật chất dành cho giáo dục tại ĐBSCL, trong đó có An Giang, còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Kiến nghị, sau khi ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, tiếp tục bố trí nguồn vốn hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL (trong đó có An Giang) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trả lời: Về tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không có việc làm hoặc việc làm không phù hợp với chuyên ngành đào tạo dẫn đến lãng phí nguồn lực mà gia đình, nhà trường và xã hội đã đầu tư cho các em trong quá trình học tập, lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao: Theo thông tin mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động (giai đoạn 2020 - 2022) từ 2,3% - 3,98%, tương đương từ 1.056.700 - 1.714.800 người thất nghiệp, trong đó các tỷ lệ thất nghiệp cao tập trung vào năm 2021 do tình hình dịch bệnh COVID-19. Theo khuyến cáo của Tổ chức lao động quốc tế ILO, không có quốc gia nào có thể đạt tỷ lệ thất nghiệp 0%; nếu tỷ lệ thất nghiệp của một quốc gia dưới 5% được coi là bình thường, thậm chí đó còn là động lực để thúc đẩy thị trường lao động và đào tạo trong việc luôn vận động và thay đổi để hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo và các lĩnh vực liên quan.
Trên thực tế, ngành đào tạo trong nhà trường không trùng với ngành nghề của thị trường lao động. Tốt nghiệp đại học ở một ngành nghề đào tạo có thể làm việc ở nhiều vị trí việc làm khác nhau, mà vẫn phát huy được chuyên môn. Việc đánh giá nghề nghiệp có liên quan đến ngành nghề được đào tạo cần phải chú ý đến nội dung này, để có thể đánh giá được toàn diện và chính xác. Điều quan trọng nhất là người học sau khi được đào tạo ở bậc giáo dục đại học đáp ứng tốt các yêu cầu của công việc mà mình lựa chọn bằng năng lực cá nhân và kiến thức được đào tạo, đem lại giá trị cho gia đình, xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung.
Để chất lượng giáo dục đại học ngày càng tiệm cận với nhu cầu sử dụng lao động thì cần phải nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ giảng viên, trang bị đủ về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản trị đại học, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 68/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 9/12/2008 quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có nêu mục đích của công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm là tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục với đơn vị sử dụng lao động. Các thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành quy định về mở ngành đào tạo, xác định chi tiêu, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đến quy định vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết của việc doanh nghiệp tham gia đồng hành, phối hợp với cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo, để chương trình đào tạo ngày càng được thiết kế phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT thực hiện nhiều đề án, dự án liên quan đến nội dung này, như Đề án 69 về nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025; Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2030. Các dự án, đề án đang triển khai đều hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trang bị đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ để người học đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động, có thể tham gia thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Bộ GD&ĐT hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hàng năm khảo sát và báo cáo tình hình việc làm của sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi được công nhận tốt nghiệp, đồng thời giao Trung tâm Đào tạo và cung ứng nhân lực tiến hành tổng hợp và phân tích báo cáo của các trường, thống kê số sinh viên có việc làm trong 12 tháng sau tốt nghiệp, để kịp thời nắm bắt tình hình, xu hướng việc làm của xã hội.
Về bố trí nguồn vốn hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học: Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp học tại các địa phương và ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học, báo cáo Bộ GD&ĐT (Công văn 2838/BGDĐT-CSVC, ngày 9/6/2023 của Bộ GD&ĐT). Dựa trên kết quả khảo sát và báo cáo của các địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp nhu cầu để làm căn cứ xây dựng các chương trình, đề án trình Quốc hội, Chính phủ để hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương tiếp tục kiên cố hóa, tăng cường cơ sở vật chất trường học, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương và nguồn huy động khác; thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án, đề án khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa