Bảo vệ rừng mùa nắng nóng

23/02/2024 15:27

Bước vào mùa khô năm 2024, nắng nóng xuất hiện sớm và khá gay gắt, nền nhiệt độ cao hơn, ít mưa... khiến các thảm thực bì, vỏ cây rừng trở nên khô, dễ cháy. Nhiều khu vực rừng trên địa bàn tỉnh đã nâng mức cảnh báo lên cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Bên cạnh lực lượng kiểm lâm, quân sự, công an, trách nhiệm bảo vệ rừng đòi hỏi ý thức của người dân, khách hành hương.

Còn nhiều khó khăn

Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy, với tổng diện tích 10,29ha, tăng 13 vụ so năm 2022, trong đó có 10 vụ cháy rừng phòng hộ, diện tích 1,36ha và 3 vụ cháy rừng sản xuất, diện tích 8,93ha. Nhìn chung, các vụ cháy rừng phòng hộ không gây thiệt hại đối với rừng, chủ yếu cháy cây bụi, dây leo, trảng cỏ khô; rừng sản xuất diện tích bị thiệt hại gồm tràm tái sinh và rừng tràm tới chu kỳ khai thác. Nguyên nhân cháy rừng do người dân bắt ong, đốt đồng, đốt dọn rác, sử dụng lửa bất cẩn…

Có thể thấy, phần lớn các vụ cháy rừng do sự chủ quan của người dân. Thực trạng khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn An Giang càng khiến nguy cơ cháy tăng cao hơn. Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, tốc độ gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp vào các mục đích khác để phát triển kinh tế - xã hội của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã làm cho diện tích rừng của tỉnh có chiều hướng thu hẹp, chất lượng rừng giảm sút. Trong khi đó, cộng đồng dân cư sống trong rừng, gần rừng hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

Kiểm tra hồ trữ nước chữa cháy rừng

 

Thực tế hiện nay, diện tích giao khoán rừng còn nhỏ lẻ, bình quân 0,7ha/hộ; thu nhập từ rừng không bảo đảm cuộc sống. Khi cây rừng khép tán, người dân không sản xuất kết hợp dưới tán rừng được, đời sống gặp khó khăn nên xuất hiện tình trạng chặt phá cây rừng, phát dọn làm rẫy, lập vườn trồng cây ăn trái; việc tự ý mua bán, sang nhượng đất rừng phòng hộ đồi núi giữa người dân có chiều hướng gia tăng.

Ngoài yếu tố khách quan do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, gây khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), mùa khô ở An Giang cũng trùng với với các lễ hội lớn của tỉnh, lượng khách tham quan, khách hành hương rất lớn, chỉ cần người dân bất cẩn trong sử dụng lửa, đốt nhang, đốt giấy vàng mã... cũng gây nguy cơ cháy rừng.

Tập trung bảo vệ

Do ảnh hưởng của El Nino (pha nóng), nhiều đợt nắng nóng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện sớm khi bước vào mùa khô, nhiệt độ thực tế cao hơn từ 0,5 - 1,5oC so trung bình nhiều năm, cường độ gây nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt hơn, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh An Giang Nguyễn Đức Duy cho biết, quan điểm PCCCR của tỉnh là quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Tỉnh sẽ xây dựng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, triển khai Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh để tạo thêm thu nhập cho các hộ trồng rừng, góp phần bảo vệ rừng bền vững.

Một trong những biện pháp được tỉnh tập trung triển khai là tăng cường tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trong hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân có rừng và cộng đồng dân cư các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR. Ngành kiểm lâm phối hợp các cơ quan truyền thông chủ động tuyên truyền, tổ chức phát thông điệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là thời kỳ cao điểm mùa khô. Khi có nguy cơ cháy rừng cấp IV, các hạt, trạm kiểm lâm phải thông báo ngưng một số các hoạt động trong rừng tại những khu vực rừng dễ cháy, nơi có khách du lịch thường lui tới. Đồng thời, thông tin cảnh báo cháy trên website của Chi cục Kiểm lâm An Giang (http://kiemlamangiang.gov.vn).

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, trong 16.819,6ha rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh, có 7.368,6ha thuộc vùng trọng điểm cháy (chiếm 43,7%). Đối với huyện Tri Tôn, trong 4.406,7ha thuộc vùng trọng điểm cháy (đồi núi 2.550ha, đồng bằng 1.856,7ha), khu vực có nguy cơ cháy cao ở vùng đồi núi là 1.850ha, gồm các vùng: Trọng điểm cháy số 1 là Đồi 81, Vồ Cờ, Đồi 400 (núi Dài), núi Tượng; trọng điểm cháy số 2: Vườn tầm vông và cây ăn quả ven chân núi Dài, từ khu vực Ô Vàng đến Vồ Đá Bia (Ba Chúc - Lương Phi); trọng điểm cháy số 3: Khu vực Đồi 181, Vồ Đá Đen, núi Trọi; trọng điểm cháy số 4: Sà Lôn, Ô Bà bé, Ô Cây Chương, Bụng Ông Địa, Điện Tà Cao; trọng điểm cháy số 5: Đồi 500, Tức Dụp, Sân Tiên, chùa Bồng Lai, đồi Sơn Rứa, khu khai thác đá An Giang (núi Cô Tô).

Trong khi đó, khu vực rừng đồi núi có khả năng cháy trên địa bàn huyện Tri Tôn là 700ha, tập trung ở khu vực Bến Bà Chi (núi Dài), khu vực ven chân núi Dài (từ Vồ Đá Bia đến chợ Lương Phi), khu vực núi Nam Quy (từ sân bay đến thung lũng khoảnh 01) và khu vực Kẹt Cần Đước, Đa Pà Lầy, Tiếp Xiêm (núi Cô Tô). Vùng rừng đồng bằng có nguy cơ cháy cao ở huyện Tri Tôn là: Rừng tràm Bình Minh 612,1ha, rừng tràm Tân Tuyến 256ha và rừng tràm Lâm trường Tỉnh đội 975,6ha.

Đối với TX. Tịnh Biên, có 2.912ha thuộc vùng trọng điểm cháy, gồm: Rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn, khu vực đồi Kakô, khu vực Latina-Tà Lọt  (núi Cấm). Trong khi đó, TP. Châu Đốc có 49,9ha thuộc vùng trọng điểm cháy, tập trung ở khu vực núi Sam; huyện Thoại Sơn có 50ha thuộc vùng trọng điểm cháy, gồm khu vực núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới