Bám ấp, bám làng

18/03/2024 07:44

Nhiều năm nay, đội ngũ đảng viên Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới ngày càng vững mạnh; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc được củng cố.

Nghe tiếng gọi của trung úy Lâm Hoàng Tuấn (Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn), chị Nguyễn Thị Mỹ Hiệp (sinh năm 1984, ngụ ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chạy vội ra gặp. Anh Tuấn hỏi thăm, chị chia sẻ: “Mấy bữa trước, con gái tôi đi làm xa bị tai nạn. Hai đứa nhỏ cũng bệnh liên tục, phải nghỉ học. Tôi chắt mót mấy chục ngàn đồng mua thuốc cho con. Chưa kịp cho hay thì chú bộ đội đã đến thăm”.

Cuộc sống quá khó khăn, cái no chưa xong, cái bệnh ập tới khiến chị Hiệp mất phương hướng. Chị sống trong căn chòi tạm bợ, cùng với mấy đứa con nhỏ. Khoảng 1 năm nay, gia đình chị thường được trung úy Tuấn lui tới, khi thì gửi ít tiền, khi thì tặng gạo.

“Theo phân công của Đảng ủy Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, mỗi đảng viên phụ trách 5 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Chị Hiệp là hộ khó khăn nhất tôi được phân công giúp đỡ. Vì vậy, tôi thường xuyên thăm hỏi, động viên vượt qua khó khăn. Nguồn gạo trích từ mô hình “Hũ gạo tình thương”, hoặc vận động thêm nhà tài trợ. Chủ yếu, chúng tôi làm điểm tựa về mặt tinh thần, giúp hộ dân vững lòng. Về lâu dài, tôi sẽ đề xuất, tham mưu tìm nguồn hỗ trợ “Mái ấm biên cương” cho chị” - Tuấn thông tin.

 

Thăm hỏi gia đình bà Hiệp

 

Tìm đến vườn cà na tại ấp Cây Châm gần đó, chúng tôi thấy bà Lê Thị Dung (sinh năm 1963) đang tranh thủ thu hoạch cho kịp cơn nắng ban trưa. Thượng úy Trương Hoàng Khang (Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn) giúp bà một tay.

Anh cho biết: “Chồng mất, bà Dung lớn tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chỉ có nghề làm thuê bấp bênh. Phụ trách hộ gia đình bà, tôi tìm hiểu, giới thiệu để bà thuê vườn cà na, chọn loại cây này phát triển kinh tế. Sau mấy năm, cà na bắt đầu cho trái liên tục, cuộc sống bà đỡ hơn trước rất nhiều”.

“Cà na Thái rất dễ chăm sóc, cộng với sự hỗ trợ của thượng úy Khang, Hội Nông dân xã Vĩnh Tế… 22 công cà na mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình tôi. Nhờ vậy, chúng tôi không cần bỏ quê, bỏ nhà đi xa tìm việc làm nữa” - bà Dung vui mừng.

Hoạt động “bám ấp, bám làng” của người lính "quân hàm xanh" được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, như câu chuyện của gia đình chị Hiệp, bà Dung. Theo Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thời gian qua, đơn vị thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP với 5 Huyện, Thị, Thành ủy biên giới; giữa chi, đảng bộ đồn biên phòng với đảng ủy 18 xã, phường, thị trấn biên giới. Từ đó, sự gắn bó giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với các đơn vị biên phòng ngày càng tốt hơn.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phân công nhiệm vụ 73 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 73 chi bộ khóm, ấp biên giới; 4 cán bộ tăng cường xã tích cực bám nắm địa bàn. Các đồn biên phòng phân công 237 đảng viên phụ trách 1.046 hộ gia đình ở khu vực biên giới. BĐBP tỉnh có 2 cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện; 5 đồng chí tham gia HĐND các cấp.

 

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình

 

Bên cạnh đó, đồn biên phòng tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương củng cố 272 lượt chi bộ khóm, ấp, 208 lượt chi đoàn, 212 lượt chi hội phụ nữ, 193 lượt chi hội nông dân, 29 lượt chi hội cựu chiến binh, 43 lượt chi hội chữ thập đỏ, 378 lượt tổ tự quản an ninh trật tự, 370 lượt tổ tự quản đường biên, cột mốc... đảm bảo hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Lực lượng biên phòng, địa phương vận động gần 1.000 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp; xây dựng 65 hòm thư tố giác tội phạm ở địa bàn dân cư.

Đa số đảng viên được giới thiệu về sinh hoạt tại chi bộ địa phương có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có kiến thức, năng lực công tác xây dựng Đảng; kiến thức về quốc phòng - an ninh; sự hiểu biết cần thiết về kinh tế - xã hội; có năng lực, kinh nghiệm tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở cơ sở.

“Các đảng viên được giới thiệu tham gia sinh hoạt tại chi bộ ấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, sinh hoạt đầy đủ theo định kỳ và khi được mời. Trong quá trình sinh hoạt, đảng viên đồn biên phòng thông tin tình hình biên giới, những vấn đề nổi lên có liên quan địa phương, nhất là về biên giới; thông báo cho chi bộ nắm chủ trương lãnh đạo của đảng ủy đồn biên phòng về công tác xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Công tác phối hợp giữa các đội, trạm của đồn biên phòng với các lực lượng và ban nhân dân ấp đúng theo quy định, tạo được sự tin tưởng đối với người dân vùng biên. Chúng tôi kỳ vọng, công tác phối hợp được thực hiện tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo” - ông Đặng Thanh Bình (Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Nhân dân ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) bày tỏ.

Những hoạt động trên góp phần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững mạnh ở khu vực biên giới. Đồng thời, tô đậm thêm vị trí, vai trò của cán bộ, đảng viên BĐBP đối với địa bàn đứng chân.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới