An Phú tập trung phát triển kinh tế - xã hội
06/11/2024 11:39
Từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện An Phú được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới. Qua đó, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH), giữ vững quốc phòng - an ninh.
Các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển KTXH, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chuyên đề năm 2024 “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”.
Theo Ban Dân vận Huyện ủy An Phú, địa phương thực hiện 86 mô hình thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” năm 2024 (73 mô hình tập thể, 13 mô hình cá nhân). Cụ thể, 25 mô hình về phát triển kinh tế, 54 mô hình về văn hóa - xã hội, 4 mô hình về quốc phòng - an ninh, 3 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển địa phương.
Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo
UBND huyện chỉ đạo cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, nhằm tạo chuyển biến tốt về nhận thức; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng “gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân”, có trách nhiệm với dân, chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương, từ huyện đến xã, thị trấn thường xuyên duy trì công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Công tác cải cách hành chính từng bước đi vào nền nếp, chất lượng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm, nhất là đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan chính quyền với Nhân dân. Nhờ vậy, kịp thời giải quyết vấn đề dư luận và Nhân dân quan tâm, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền với người dân, cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương.
Xoài keo của Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao
Thời gian qua, huyện An Phú còn tập trung các giải pháp phát triển KTXH. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, địa phương tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa công ty, doanh nghiệp với nông dân và hợp tác xã trên địa bàn. Điển hình như, phối hợp Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) triển khai kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ đậu nành rau và xoài keo theo chuỗi giá trị. Trong tháng 10, Công ty Antesco liên kết tiêu thụ khoảng 10.000 tấn xoài; riêng đậu nành rau dự kiến liên kết 26ha vụ đông xuân 2024 - 2025.
Huyện triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; tổ chức họp hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đợt I/2024 đối với 7 sản phẩm tiềm năng của 6 chủ thể kinh tế (xoài keo, mắm cá chốt, mắm cá linh, dầu đậu phộng, rượu đông trùng hạ thảo, khô bò giòn và dưa lê).
Trồng rau thủy canh trong nhà lưới
Trên cơ sở các nội dung câu chuyện sản phẩm, quy trình sản xuất, sơ đồ chế biến sản phẩm, hồ sơ tự công bố chất lượng hoàn chỉnh, giấy chứng nhận, phiếu kiểm nghiệm, hình ảnh sản phẩm hoàn chỉnh…, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện chấm điểm toàn bộ 7 sản phẩm đều đạt, đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nâng toàn huyện có 13 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh) đạt 62 tỷ đồng, lũy kế đạt 620 tỷ đồng, đạt 84,6% kế hoạch, tăng 17,6% so cùng kỳ. Doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 530 tỷ đồng, lũy kế 5.298 tỷ đồng, đạt 85,4% kế hoạch, tăng 3,4% so cùng kỳ. Giá trị hàng xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 1,2 tỷ USD, đạt 79,5% kế hoạch.
Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường yêu cầu các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng, thủ tục đầu tư dự án trọng điểm trên địa bàn huyện. Cần tăng cường kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng, trật tự buôn bán tại chợ, nhất là đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; tập trung lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ dịp cuối năm, Tết Ất Tỵ 2025; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Huyện giữ vững tuyến biên giới ổn định, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thân thiện với chính quyền và các lực lượng Campuchia…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới
Phê chuẩn ông Ngô Công Thức giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Lang thang núi Dài Năm Giếng
Châu Đốc khai thác tiềm năng, vươn mình phát triển
Bảo tồn tiếng Chăm từ những lớp học đầu đời
Cẩn trọng với những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội
Học tập Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân
Trả giá đắt vì bản tính côn đồ
Ơn thầy!