An Giang hướng tới kỳ thi nghiêm túc, chất lượng
21/06/2024 13:54
Còn gần 1 tuần lễ nữa sẽ diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các giáo viên và học sinh lớp 12 tập trung cao cho tổ chức, ôn thi tốt nghiệp, hướng tới một kỳ thi (vào ngày 26, 27, 28, 29/6) an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao.
Đảm bảo ôn tập
Có đông học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, Trường THPT Chi Lăng (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) chủ động chuẩn bị kế hoạch về nhân lực, cơ sở vật chất, phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng Nguyễn Thế Phương cho biết: “Đến thời điểm này, nhà trường đã hoàn thành việc ôn thi cho học sinh khối 12 theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang. Trong đó, chú trọng xây dựng nội dung, phương pháp ôn tập phù hợp, có định hướng trong quá trình giảng dạy. Đồng thời, kế hoạch dạy học đảm bảo phân bố thời gian hợp lý, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, quan tâm rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh”.
Trường THPT Chi Lăng có 327 học sinh tham gia kỳ thi này, trong đó có 106 học sinh là đồng bào DTTS Khmer. Để học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi, ban giám hiệu trường đã chủ động phân hóa đối tượng học sinh, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đặc biệt quan tâm hỗ trợ học sinh, nhất là đối với các em là đồng bào DTTS Khmer.
“Chúng tôi đã chủ động cơ sở vật chất, nhân sự, phương tiện thông tin, liên lạc tại điểm thi nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Cùng với đó, còn bố trí phương án phòng, chống cháy nổ, mưa bão, y tế, điện nước… để chủ động ứng phó với các tình huống bất ngờ trong những ngày diễn ra kỳ thi” - ông Nguyễn Thế Phương cho biết thêm.
Các trường cơ bản hoàn tất việc ôn tập cho học sinh lớp 12
Do học sinh khối 12 của trường ở nhiều địa phương trong và ngoài thị xã, nên trường đã chủ động bố trí nơi ăn uống, nghỉ ngơi trong những ngày thi cho thí sinh ở xa. Đây là phương án giúp thí sinh được an toàn, hạn chế những rủi ro ngoài ý muốn ảnh hưởng đến kết quả thi.
“Dự kiến, trường sẽ phục vụ 50 suất ăn trưa cho các thí sinh, lực lượng tiếp sức mùa thi trong những ngày thi. Đây là hoạt động được nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua, giúp thí sinh giảm áp lực thi cử. Thí sinh còn được bố trí khu vực nghỉ ngơi phù hợp, để có sức khỏe tốt nhất cho những buổi thi tiếp theo” - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng Nguyễn Phương Bình thông tin.
Em Lâm Châu Thảo Trân (ngụ xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên) chia sẻ: “Dự định của em là đăng ký vào ngành sư phạm thuộc khối xã hội, nên cố gắng cân bằng 3 môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Trên lớp, em trao đổi với thầy cô và các bạn để nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài. Em sẽ cố gắng để có kết quả tốt nhất trong kỳ thi này để trở thành giáo viên trong tương lai”.
Còn em Chau Rây (ngụ xã An Cư, TX. Tịnh Biên) đang cố gắng “vượt vũ môn” để hiện thực hóa mục tiêu trở thành sinh viên ngành truyền thông. Chau Rây đang tích cực ôn tập cùng các bạn.
“Các bạn học sinh là dân tộc Khmer thường có xu hướng đi làm sớm để kiếm tiền, nên hay bỏ học giữa chừng. Em sẽ quyết tâm vươn lên, đi học đại học để xây dựng tương lai. Em nghĩ, nếu cố gắng thì bản thân sẽ thực hiện được ước mơ. Được sự động viên của thầy cô, bạn bè, em tin mình có thể vượt qua kỳ thi này, dù phía trước còn nhiều khó khăn” - Chau Rây chia sẻ.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Năm 2024 là năm cuối học sinh lớp 12 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (chương trình cũ) và cũng là lứa học sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Các em phải học trực tuyến phần lớn thời gian năm lớp 10, nên để đảm bảo đạt chất lượng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường THPT đã tăng cường phối hợp với phụ huynh trong học tập, theo dõi hoạt động nền nếp để kịp thời có giải pháp phù hợp trong quá trình ôn tập.
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT An Giang đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện công tác dạy học, thực hiện chương trình, kiểm tra định kỳ theo đúng kế hoạch năm học, trong đó chú trọng học sinh cuối cấp. Tất cả trường được kiểm tra đều xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024, thời gian từ ngày 24/4/2024 đến 24/6/2024.
Kế hoạch có phân hóa đối tượng học sinh theo từng lớp ôn tập. Các bộ môn đều có kế hoạch cụ thể về thời gian, nội dung ôn thi, trung bình từ 4 - 8 tiết/môn/ tuần. Công tác ôn tập được các trường tích cực thực hiện ở giai đoạn cuối; một số trường đã tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12.
ThS Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT An Phú (huyện An Phú) cho biết: "Nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên thực hiện đăng ký chỉ tiêu điểm bình quân thi tốt nghiệp làm động lực để phấn đấu ôn tập hiệu quả; đăng ký chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng theo từng môn, từng lớp, từng giáo viên. Các tổ chuyên môn thực hiện việc đánh giá kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp ôn tập thi tốt nghiệp năm 2024. Tổ chuyên môn, giáo viên ôn tập xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp đầy đủ, sát thực tế".
Sau khi có kết quả thi học kỳ I, trường rà soát điểm số và lập danh sách 35 học sinh thuộc diện “nguy cơ” để theo dõi, nhắc nhở việc học tập hàng ngày. Khi có kết quả thi học kỳ II, trường tiếp tục rà soát và lập danh sách 35 học sinh thuộc diện “nguy cơ” và “đặc biệt nguy cơ” để thực hiện kế hoạch truy bài đầu buổi học.
“Trường có 46 cán bộ, giáo viên tình nguyện kèm học sinh yếu, mỗi nhóm 2 giáo viên truy bài cho 2 học sinh. Đối với học sinh “đặc biệt nguy cơ” thì phân công 1 giáo viên dạy môn có thi trực tiếp truy bài. Giáo viên hỗ trợ bám sát học sinh, thực hiện báo cáo tình hình học tập của học sinh theo hướng dẫn của trường. Buổi tối, trường còn tổ chức hướng dẫn kiến thức căn bản, kỹ năng làm bài thi… cho học sinh. Trường tổ chức nấu cơm chiều cho 35 học sinh học buổi tối tại trường. Phối hợp Hội Khuyến học thị trấn An Phú tổ chức bữa cơm trưa cho hơn 200 học sinh và cán bộ coi thi trong 2 ngày thi” - thầy Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Ghi nhận tuần ôn tập cuối cùng, tại Trường THPT Vọng Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), không khí ôn tập của học sinh lớp 12 rất khẩn trương. "Chọn tổ hợp khoa học tự nhiên, em rất tập trung ôn tập cho kỳ thi quan trọng này. Bên cạnh việc tham gia đầy đủ các buổi học ôn trên lớp, em còn nỗ lực tự học, tự ôn tập lại kiến thức, tìm hiểu thêm kiến thức nâng cao liên quan và giải các bài tập dạng phân hóa, để đảm bảo kiến thức cho kỳ thi quan trọng sắp tới" - em Nguyễn Thị Thảo Ngân (lớp 12A7, Trường THPT Vọng Thê) chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường THPT cho hay: “Nhà trường đã tìm hiểu kỹ đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2024 và đề thi chính thức tốt nghiệp THPT những năm trước để xác định mức độ, phạm vi kiến thức và có kế hoạch ôn tập phù hợp. Quá trình ôn tập, phụ huynh phối hợp rất tốt với nhà trường trong việc động viên, khích lệ, tạo tinh thần thoải mái giúp thí sinh bình tĩnh trước ngày thi".
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa
Giữ nghề rèn truyền thống
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Khai mạc Hội chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản vùng miền Tịnh Biên năm 2024
Khai mạc Ngày hội hàng Việt về nông thôn - Sản phẩm OCOP Phú Tân
Nhiệm vụ cao cả của Đội K93
Phụ nữ An Giang khởi nghiệp sáng tạo
Mừng An Giang thêm tuổi mới