An Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
29/02/2024 17:52
Đến năm 2030, An Giang tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học (CNSH); đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư và sản xuất sản phẩm từ CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược... Xây dựng ngành CNSH trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và môi trường.
Những năm qua, cùng với cả nước, lĩnh vực CNSH của tỉnh có bước phát triển, được ứng dụng và phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân. Đến cuối năm 2021, hoạt động CNSH đóng góp gần 3% GRDP toàn tỉnh. Tỉnh tập trung đầu tư tiềm lực hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Trung tâm CNSH tỉnh; đã làm chủ được 53 quy trình công nghệ, chuyển giao 6 quy trình công nghệ để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh triển khai ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng CNSH ở An Giang chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực, nguồn lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ; việc chuyển giao, thương mại hóa các quy trình công nghệ của Trung tâm CNSH tỉnh để triển khai ứng dụng vào thực tiễn sản xuất còn ít. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa các nguồn lực đầu tư phát triển ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh còn khó khăn…
Những năm tới, An Giang tập trung phát triển và ứng dụng CNSH là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KTXH của địa phương; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân.
Tỉnh tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống
“Việc phát triển và ứng dụng CNSH phải hướng tới khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh, từng ngành, vùng sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, là giải pháp ưu tiên trong phát triển KTXH; lấy DN là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học. Phát triển CNSH thành bệ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế nông nghiệp” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, An Giang đẩy mạnh xây dựng, phát triển nền công nghiệp sinh học đạt trình độ tiên tiến trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, thực phẩm, môi trường... Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; các tổ chức công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, sản xuất ít nhất 50% sản phẩm CNSH hiện có; phấn đấu công nghiệp sinh học đóng góp 7% vào GRDP của tỉnh, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và dược liệu... Thúc đẩy các DN công nghiệp sinh học đầu tư sản xuất với quy mô công nghiệp và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trung tâm CNSH tỉnh làm chủ công nghệ sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Nhân giống rau, hoa, dược liệu. Hình thành mạng lưới cung cấp giống rau, hoa, dược liệu tại một số vùng quy hoạch phát triển rau, hoa, dược liệu của tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2045, An Giang trở thành một trong những trung tâm có quy mô lớn của vùng ĐBSCL về nghiên cứu quy trình canh tác, sản xuất giống rau, hoa, dược liệu, chăn nuôi, thủy sản và trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe kết hợp hỗ trợ điều trị một số bệnh trong cuộc sống hiện đại ngày nay dựa trên nền tảng Đông, Tây y kết hợp. Xây dựng và phát triển CNSH trọng điểm về lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe…
Để đạt mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNSH. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và DN về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân. Phát triển và ứng dụng CNSH là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển KTXH của các địa phương, ngành, lĩnh vực.
Tỉnh sẽ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư phát triển, ứng dụng CNSH, sản xuất các sản phẩm CNSH có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, môi trường; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm CNSH. Đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực CNSH, ưu tiên khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng CNSH đối với vùng KTXH còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống; xây dựng nền công nghiệp sinh học của tỉnh. Xây dựng nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH…
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên động viên gia đình bị hỏa hoạn
Những bác sĩ vì người nghèo
Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Bảo đảm an ninh kinh tế, phục vụ phát triển
An Giang “trải thảm” mời gọi đầu tư
An Giang - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông khu vực biên giới
Phát triển du lịch núi Cấm
Học sinh “thay áo mới” cho rác thải nhựa