An Giang chắp cánh cho sản phẩm OCOP

13/02/2024 14:11

Việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất - kinh doanh (SXKD) các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

“Bàn đạp” để phát triển

Có mặt trên thị trường từ năm 1993, bánh hạnh nhân Tiến Anh (Công ty TNHH SXTM Tiến Anh, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã trải qua những nốt thăng trầm của thị trường. Qua hơn 30 năm phát triển, với việc liên tục nghiên cứu và cải tiến sản phẩm, bánh hạnh nhân dần tạo được chỗ đứng trên thị trường và trở thành đặc sản của huyện Chợ Mới. Giám đốc Công ty TNHH SXTM Tiến Anh Trần Lê Hùng cho biết, công ty đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất khép kín, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, chế biến… cho đến khâu vận chuyển.

 

 

Với 3 hương vị chính: Đậu, mè và chocolate, sản phẩm bánh hạnh nhân được khách hàng trong nước yêu thích; hai lần được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ĐBSCL và cấp quốc gia. Đây còn là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh An Giang.

Ông Hùng cho biết, được công nhận sản phẩm OCOP đã tạo cơ hội cho công ty được xúc tiến, quảng bá sản phẩm. “Thông qua những chuyến đi như vậy, chúng tôi nhận được những đóng góp tích cực từ người tiêu dùng về hương vị, mẫu mã sản phẩm… Từ đó có những thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu. Mặt khác, từ khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay, sản lượng tiêu thụ bánh hạnh nhân cải thiện rất nhiều so với trước” - ông Hùng chia sẻ.

Tại huyện miền núi Tri Tôn, với mong ước đưa sản phẩm đường thốt nốt của người dân địa phương nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nói riêng bước lên tầm cao mới, chị Chau Ngọc Dịu (Công ty Cổ phần Palmania, huyện Tri Tôn ) đã dày công nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm mật thốt nốt sệt và mật thốt nốt bột thương hiệu Palmania, mang hương vị độc đáo.

 

 

Để thực hiện ý tưởng sản xuất mật thốt nốt, chị Dịu đã tìm đến các hộ dân làm nghề nấu đường lâu năm ở địa phương, đồng thời thuyết phục họ tham gia quy trình sản xuất sạch. Trong quá trình sản xuất, các hộ dân cam kết không sử dụng chất bảo quản, chỉ sử dụng gỗ sến để giữ hương vị truyền thống. Khi đã có sản phẩm mật thốt nốt sệt, chị Dịu tiếp tục nghiên cứu, cho ra sản phẩm mật thốt nốt bột, không sử dụng phương pháp tách mật. Đặc biệt, sản phẩm giữ được trọn vẹn hương thơm, vị ngon đặc trưng và những đặc tính quý giá của đường thốt nốt.

Sản phẩm mật thốt nốt sệt và mật thốt nốt bột của Công ty Cổ phần Palmania từng được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao. “Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, ngành chức năng đã tạo điều kiện cho công ty tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm; đóng gói quà Tết… Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được thị trường biết đến. Sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 20% so với trước” - chị Dịu chia sẻ.

Hiện nay, chị Dịu đang tiếp tục đăng ký, công nhận sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài 2 sản phẩm cũ, công ty còn phát triển sản phẩm mới là mật thốt nốt bột mịn. Bên cạnh đó, công ty đang nghiên cứu, cho ra thị trường 2 sản phẩm mới là nước thốt nốt đóng lon và siro thốt nốt. Sản phẩm có thời gian bảo quản lâu, hương vị không khác biệt so với nước thốt nốt truyền thống…

Nhân rộng sản phẩm OCOP

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh hiện có 92 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên. Trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp quốc gia, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 72 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP đến từ 62 chủ thể, với 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 21 doanh nghiệp và 35 cơ sở.

 

 

Về cơ cấu nhóm, ngành sản phẩm: có 66 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 22 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống và 3 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ - trang trí. Năm 2023, toàn tỉnh có 52 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên.

Ngoài ra, tỉnh An Giang đã xây dựng mô hình thí điểm: “Phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng tại 3 xã cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang” tại các xã Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp. Đây là mô hình Trung ương chỉ đạo, thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 2), kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn đối ứng từ địa phương, doanh nghiệp.

Thông qua việc triển khai, thực hiện chương trình OCOP, các chủ thể đã quan tâm hơn đến việc xây dựng hình ảnh, mẫu mã bao bì bắt mắt, thông tin đầy đủ. Cùng với đó là chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, để sản phẩm OCOP phát triển hiệu quả và bền vững, thời gian qua, các sở, ngành đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài nước; nhất là công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội chợ, lễ hội, điểm du lịch, quà tặng… nhằm kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho chủ thể sản phẩm để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên sản phẩm OCOP, thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, như: Shopee, TikTok…

 

 

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh, năm qua, đơn vị đã chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, trong đó có các chủ thể OCOP. Nổi bật là việc tổ chức thành công Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang 2023. Hội chợ thu hút trên 400 gian hàng của 143 doanh nghiệp đến từ 17 tỉnh, thành phố và nước bạn Campuchia.

Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh còn tổ chức kết nối với các tỉnh, thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Tuyên Quang, Ninh Bình, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Tháp… Đồng thời, đưa sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu tại cửa hàng Phan Nam… Qua đó, góp phần đưa đặc sản, sản phẩm OCOP của An Giang phát triển rộng khắp.

Thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu và kết nối cung - cầu cho sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, rà soát các sản phẩm tiềm năng tại các địa phương để tiếp tục hỗ trợ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP…

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới