Thách thức ngoại giao với Israel sau hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab

19/05/2024 13:21

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab đã được triệu tập tại Bahrain để giải quyết xung đột ở Gaza và hội nhập khu vực. Sự kiện này khiến Israel lo ngại bị cô lập trong bối cảnh các liên minh đang thay đổi và những thách thức ngoại giao mới nổi.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang phải chịu nhiều áp lực ngoại giao liên quan đến xung đột ở Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Jerusalem Post (Israel), các nước Arab đã tập trung tại Bahrain trong tuần này để dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab. Có 22 thành viên của Liên đoàn Arab và đây là cuộc họp quan trọng đối với các nước này. Họ đều tập trung vào cuộc chiến ở Gaza và những diễn biến khác trong khu vực.

Hội nghị kết thúc hôm 16/5 với tuyên bố kêu gọi lực lượng Israel rút “ngay lập tức” khỏi tất cả các khu vực ở Dải Gaza và chấm dứt cuộc bao vây vùng đất này. Tuyên bố tiếp tục bày tỏ “lập trường vững chắc của các quốc gia Arab về một giải pháp hòa bình công bằng và toàn diện cho vấn đề Palestine” cũng như sự ủng hộ của họ đối với một hội nghị hòa bình quốc tế về cuộc xung đột Israel - Palestine.

Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tiến trình hòa bình hướng tới đạt được nền hòa bình công bằng dựa trên giải pháp hai nhà nước. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi triển khai các lực lượng bảo vệ và gìn giữ hòa bình quốc tế liên kết với Liên hợp quốc trên lãnh thổ Palestine cho đến khi giải pháp hai nhà nước được thực thi”.

Điều này diễn ra sau cuộc họp ở Gambia của các quốc gia Hồi giáo, nơi Israel bị lên án vì tội “diệt chủng”. Ngoài ra, sự kiện diễn ra sau việc Iran tiếp cận Ai Cập và các động thái ngoại giao khác trong khu vực.

Hội nghị còn thể hiện những thay đổi lớn trong khu vực. Ba năm trước, Israel, Bahrain và UAE đã ký Hiệp định Abraham, mang lại hy vọng hòa bình mới cho khu vực. Nhưng vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoái đã thay đổi tất cả những điều này. Israel hiện đang bị cô lập và có nhiều lo ngại về vai trò của Mỹ trong khu vực.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy ngoại giao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa mới thăm châu Âu, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang có chuyến công du tới Trung Quốc. Khu vực Trung Đông đang phòng ngừa giữa phương Tây và phương Đông. Theo Jerusalem Post, Israel đang thua thiệt trong kịch bản này khi các quốc gia ngày càng thân thiết hơn với Iran, quốc gia ủng hộ Hamas. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ Hamas và Qatar cũng vậy.

Vấn đề trên đồng nghĩa với việc Israel đang bị cô lập vì các nước chủ chốt trong khu vực đang phẫn nộ về cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza. Các quốc gia có thể ủng hộ Israel cũng lo ngại rằng Tel Aviv dường như không thể đánh bại Hamas hoặc ngăn chặn Hezbollah. Khi quan sát những biến động trong khu vực, họ tự hỏi liệu Israel có thể trở thành đối tác vì sự ổn định hay không, hay liệu Iran sẽ sớm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực?.

Liên đoàn Arab muốn nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Gaza. Họ muốn các nước Arab hội nhập khu vực nhiều hơn sau nhiều năm xung đột ở những nơi như Syria và Iraq. Họ cũng muốn thảo luận về cuộc nội chiến ở Sudan và có khả năng thảo luận về vấn đề Yemen và Libya.

Trước nhiều diễn biến khác nhau trong khu vực, cuộc gặp quan trọng này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với Israel. Điều này là do Jordan và Ai Cập đã chỉ trích gay gắt Israel, cũng như Saudi Arabia. Như vậy, không phải mọi thứ đều diễn ra như vẻ bề ngoài và vẫn còn nguy cơ những tranh chấp trong khu vực vượt ra ngoài Dải Gaza, tờ Jerusalem Post kết luận.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Jpost.com)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới