Thách thức đối nội và đối ngoại với Tổng thống Biden khi cuộc bầu cử đến gần

20/02/2024 11:06

Chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong cả chính sách đối nội và đối ngoại.

Chú thích ảnh

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu TRT World Cagdas Yuksel, khi cuộc bầu cử vào tháng 11 đang đến gần, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải vật lộn với những thách thức ngày càng leo thang trên cả mặt trận trong nước và quốc tế. Cuộc khủng hoảng ở Texas, bắt nguồn từ các vấn đề nhập cư trái phép và an ninh biên giới, đã làm suy yếu đáng kể vị thế của ông Biden trên chính trường trong nước.

Đồng thời, các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria đã làm phức tạp thêm lập trường của Mỹ trong khu vực, dẫn đến sự chỉ trích nặng nề từ các nhóm đảng phái. Tất cả những thách thức này đặt ra câu hỏi về khả năng giành ưu thế của tổng thống Mỹ đương nhiệm trong cuộc bầu cử sắp tới.

Vấn đề di cư và an ninh biên giới

Sau khi Thống đốc Texas Greg Abbott công bố kế hoạch dựng hàng rào thép gai mới dọc biên giới bất chấp quyết định gần đây của Tòa án Tối cao, ông ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ 25 bang thuộc Đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo báo cáo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, trong năm tài chính 2023, tổng cộng hơn 2,4 triệu người đã vào Mỹ từ Mexico bằng các phương tiện trái phép. Con số này thể hiện mức tăng hơn 40% so với năm tài chính 2021 và cao hơn 4% so với năm tài chính 2022.

Sau những chỉ trích gay gắt và bê bối nhân đạo xung quanh chính sách nhập cư trái phép của chính quyền Trump, ông Biden tuyên bố mình là ứng cử viên sẽ khôi phục danh dự và sự tôn trọng với tổng thống bằng cách xây dựng một phần hệ thống nhập cư công bằng và nhân đạo.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Biden nhậm chức, chính sách nhập cư và an ninh biên giới của ông đã dẫn đến thêm 7,5 triệu người nhập cư trái phép trên toàn quốc. Đặc biệt dọc theo tuyến đường Ciudad Juarez – El Paso, một trong những tuyến đường được người nhập cư ưa thích nhất, việc di cư trái phép đến bang Texas đã gây ra lạm phát, khủng hoảng nhà ở và lo ngại về an ninh. 

Theo báo cáo tháng 6/2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 47% người Mỹ coi nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề nghiêm trọng ở nước này. Khả năng Đảng Cộng hòa coi nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề rất lớn của quốc gia cao hơn nhiều, ở mức 70%, so với Đảng Dân chủ, ở mức 25%.

Điều này đặt chính quyền Biden vào thế bất lợi về vấn đề nhập cư khi cuộc bầu cử đến gần đề dọa mối quan hệ luật pháp liên bang - tiểu bang và có khả năng củng cố cơ sở của Đảng Cộng hòa. Tác động của vấn đề này đã báo động Đảng Dân chủ và Tổng thống Biden buộc phải thỏa hiệp hơn, tuyên bố rằng ông sẵn sàng đóng cửa biên giới nếu Quốc hội thông qua dự luật lưỡng đảng cấp cho ông quyền như vậy.

Chú thích ảnh

Cuộc khủng hoảng từ vấn đề nhập cư trái phép và an ninh biên giới, đã làm suy yếu đáng kể vị thế của ông Biden trên chính trường trong nước. Ảnh: AFP

Những thách thức của Mỹ ở Trung Đông

Kể từ ngày 7/10, hơn 150 cuộc tấn công đã được tiến hành nhằm vào lính Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ quân sự ở Jordan khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và khoảng 40 người khác bị thương. Tổng thống Biden cho rằng các cuộc tấn công là do lực lượng dân quân thân Iran và khẳng định: "Chúng tôi sẽ đáp trả vào thời gian và địa điểm mà chúng tôi chọn". Tuyên bố này chỉ ra rằng một sự trả đũa có giới hạn được tiến hành nhưng các lực lượng dân quân thân Iran không bị đe dọa.

Bất chấp những nỗ lực ban đầu nhằm tập trung vào các đối thủ lớn như Nga và Trung Quốc, cuộc chiến của Israel nhằm vào Hamas ở Gaza đã khiến Mỹ tái can dự vào Trung Đông. Trước đó chính quyền Biden tập trung vào việc kiềm chế đối thủ tiềm tàng là Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine và đang theo đuổi chiến lược tương tự để kiềm chế Trung Quốc. Những chính sách như vậy cho phép Mỹ duy trì ưu thế toàn cầu mà không cần tích cực tham gia chiến tranh.

Việc Mỹ tái can dự vào Trung Đông mang lại sự đảm bảo cho Israel. Đối với Nga, điều đó có nghĩa là chuyển sự chú ý và quan tâm của công chúng Mỹ ra khỏi cuộc xung đột ở Ukraine. Căng thẳng ở Trung Đông có thể sẽ kéo dài đến tận cuộc bầu cử, làm giảm cơ hội của chính quyền Biden, vốn thường được phe Cộng hòa tận dụng mô tả là "yếu đuối".

Trong khi đó, việc chính quyền Biden ủng hộ Israel trong vụ kiện diễn ra tại Tòa án Công lý Quốc tế đặt ra một vấn đề nan giải, khi nhiều người trẻ không tán thành cách ông xử lý tình hình ở Gaza. Theo một cuộc thăm dò của New York Times/Siena College, khoảng 3/4 số người từ 18 đến 29 tuổi bày tỏ sự không đồng tình với cách Tổng thống Biden xử lý cuộc tấn công dữ dội của Israel vào Gaza.

Chính quyền Biden đang điều hướng một bối cảnh phức tạp về các vấn đề nhập cư trong nước và các thách thức chính sách đối ngoại ở Trung Đông, với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ tập trung vào những lĩnh vực quan trọng này. Các chiến lược của Nhà Trắng, đặc biệt là thu hút cử tri trẻ tuổi và quản lý căng thẳng địa chính trị, sẽ rất quan trọng trong việc định hình triển vọng tái cử và định hướng chính sách.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo aa.com.tr)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới