Sóng nhiệt thiêu đốt nước Mỹ, đe dọa hơn 77 triệu người

20/06/2024 11:04

Hiện tượng sóng nhiệt đang quét qua khu vực phía Tây Bắc nước Mỹ, khiến nhà chức trách phải phát cảnh báo nguy hiểm với trên 77 triệu cư dân.

Chú thích ảnh
Người dân tắm giải nhiệt trong ngày nắng nóng tại hồ Michigan, Chicago, Mỹ, ngày 17/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ở New York, một hình ảnh báo hiệu mùa hè đang đến và kéo theo là cái nóng ngột ngạt, mỗi năm càng trở nên khắc nghiệt hơn: vòi cứu hỏa mở và đường phố biến thành công viên nước thu nhỏ. Đây là những gì đã xảy ra hôm 18/6 khi đợt nắng nóng đầu tiên của mùa xuất hiện, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hầu hết nước Mỹ cho đến cuối tuần này.

Đợt nắng nóng đã tấn công vùng Trung Tây kể từ đầu tuần trước và di chuyển nhanh chóng về phía Tây Bắc, nơi nhiệt độ dự kiến ​​​​sẽ đạt đỉnh từ ngày 19 đến 21/6, với các giá trị chỉ số nhiệt (đo lường cảm giác nhiệt độ có tính đến độ ẩm) vượt quá 100°F (37,7 độ C) ở một số địa điểm.

Hôm 18/6, hơn 77 triệu người, từ tiểu bang Iowa đến Maine, đã được đặt trong tình trạng cảnh báo sau khi Cơ quan Khí tượng Quốc gia gọi đây là một đợt nắng nóng “nguy hiểm và kéo dài”. Cơ quan liên bang này còn cảnh báo rằng, hiện tượng khí quyển không chỉ dẫn đến nhiệt độ ấm nhất từ ​​đầu năm đến nay, mà đợt nắng nóng sẽ nguy hiểm hơn do “kéo dài” và độ ẩm cao. Hàng trăm kỷ lục về nhiệt độ cao ở các nơi có thể sẽ bị phá vỡ trong tuần, với nhiệt độ tăng cao hơn tới 25°F (gần 3,9 độ C) so với mức trung bình. Vào ban đêm, nhiệt đột cũng không giảm nhiều; duy trì trên 70°F (21 độ C).

Đợt nắng nóng sẽ di chuyển về phía Đông Nam Mỹ vào cuối tuần này và đầu tuần tới, được thúc đẩy bởi một vòm nhiệt dữ dội đã bao phủ nửa phía Đông của đất nước. Vòm nhiệt xảy ra khi một lớp không khí ấm tích tụ gần bề mặt Trái đất và bị giữ lại bởi một lớp không khí mát hơn phía trên nó. Không khí bị mắc kẹt ngày càng nóng hơn, tạo ra một loại hiệu ứng lò nướng. Nhiệt độ cao do khối không khí nóng này tạo ra có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, gây ra những đợt nắng nóng nguy hiểm như đợt đang diễn ra.

Tại Mỹ, nắng nóng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến thời tiết. Theo một báo cáo được công bố hôm 18/6, chỉ riêng ở New York, có khoảng 350 người tử vong vào mỗi mùa hè do nắng nóng. Hầu hết trong số đó là những trường hợp tử vong do nhiệt độ cao, có nghĩa là nhiệt độ cao làm trầm trọng thêm căn bệnh tiềm ẩn.

Báo cáo của thành phố cho biết thêm rằng người dân da đen ở New York bị ảnh hưởng bởi nắng nóng nhiều hơn và có nhiều khả năng tử vong vì stress nhiệt hơn những nhóm cư dân khác. Các nhà nghiên cứu xác định việc thiếu khả năng tiếp cận với máy điều hòa không khí tại nhà là yếu tố rủi ro chính với nhóm cư dân này.

Để đối phó với nắng nóng gay gắt, chính quyền tiểu bang và địa phương ở các khu vực bị ảnh hưởng đã triển khai nhiều kế hoạch khẩn cấp khác nhau. Một số bang, bao gồm New York, Ohio và Pennsylvania, đã lập các trung tâm làm mát. Đây là những cơ sở lắp đặt máy lạnh, phục vụ ban ngày. Các trung tâm làm mát bao gồm bảo tàng, thư viện, trung tâm cộng đồng và cửa hàng.

Tại New York, Thống đốc bang Kathy Hochul đã huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia, và Thị trưởng New York Eric Adams thông báo rằng Sở Cứu hỏa sẽ sẵn sàng mở vòi chữa cháy và lắp các đầu phun để tạo ra một kiểu đài phun nước giúp người dân giải nhiệt. Mặc dù việc mở vòi nước mà không thông báo cho cơ quan chức năng là bất hợp pháp nhưng cũng không có gì lạ khi thấy ai đó tự ý làm việc đó.

Những đợt nắng nóng như đợt mà nước Mỹ đang trải qua trong tuần này đang trở nên cực đoan và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Trên thực tế, năm ngoái, nước này đã ghi nhận số đợt nắng nóng cao nhất kể từ năm 1936.

Những hiện tượng khí quyển này có thể gây ra một số hậu quả. Trước hết, nhiệt độ cực cao gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe. Sóng nhiệt có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như ngất xỉu, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, mất nước hoặc say nắng. Chúng cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch hoặc hô hấp. Người già, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước các bệnh tật và tử vong liên quan đến nhiệt.

Sóng nhiệt cũng có thể làm tăng áp lực đối với nguồn nước và năng lượng, gây mất điện. Thêm nữa, chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và cháy rừng, cũng như tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp. Trên thực tế, bang California và New Mexico đang phải vật lộn với cháy rừng. Ở California, hiện có 10 vụ cháy đang diễn ra, bao gồm cả vụ cháy dữ dội nhất ở Post Fire, bùng phát vào ngày 15/6. Tại New Mexico, Thống đốc Michelle Lujan Grisham đã ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 18/6 tại một số khu vực bị ảnh hưởng bởi bốn vụ cháy rừng ở bang này.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới