Quan chức Mỹ nhận định về lý do Nga cắt giảm sản lượng dầu

19/02/2023 07:08

Ông Ben Harris, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng Nga quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng mỗi ngày cho thấy nước này không thể bán hết lượng dầu.

 

Chú thích ảnh
Một nhà máy lọc dầu tại Gubkinsky, phía Tây Siberia, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Harris cho biết trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh dầu thô Argus Americas: “Họ cắt giảm sản lượng vì họ không thể bán dầu chứ không phải vì họ muốn vũ khí hóa dầu và các sản phẩm tinh chế”.

Theo hãng tin Reuters ngày 17/2, tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng tới sau khi phương Tây bắt đầu áp giá trần dần và các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2. Động thái cắt giảm khoảng 5% sản lượng của Nga tạm thời đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao.

Động thái cắt giảm trên diễn ra sau các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây, trong đó có biện pháp áp trần giá dầu thô 60 USD/thùng. Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia đã kêu gọi giảm trần giá dầu thô Nga.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, thu ngân sách hàng tháng từ dầu khí của Nga đã giảm 46% trong tháng 1 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 do tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Harris cho biết mức trần giá nhằm duy trì ổn định thị trường cũng như giảm doanh thu của Nga và cả hai mục đích đều đã đạt được.

Ông nói rằng không có công ty Mỹ nào tham gia giao dịch dầu Nga trên mức giá trần.

Ông Michael Cohen, nhà kinh tế trưởng của BP, cho biết vẫn chưa rõ liệu Nga sẽ ngừng xuất khẩu dầu thô do những khó khăn hậu cần nảy sinh từ việc áp giá trần hay có kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu hay không.

Ông Colin Parfitt, Phó chủ tịch tập đoàn Chevron cũng nói vẫn chưa rõ liệu động thái cắt giảm sản lượng có phải là động thái có tác động lớn hay không. Theo ông Parfitt, thị trường đang trong giai đoạn “chờ và xem”.

Nga vẫn đang bán giảm giá dầu thô cho những người mua như Trung Quốc và Ấn Độ. Với nhiều nước, họ rất có lợi khi mua dầu giảm giá của Nga.

Tuy nhiên, đầu tuần này, ngân hàng Goldman Sachs lưu ý rằng các đối tác thương mại của Nga ngày càng trả nhiều tiền hơn để mua dầu thô Nga so với giá niêm yết, giúp Nga giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt.

Ông Mark Lashier, Giám đốc điều hành công ty Phillips 66 cho rằng các sản phẩm dầu và dầu của Nga sẽ tìm được đường vào thị trường.

Trong thực tế, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường mua dầu diesel của Nga trong những tháng gần đây để đảm bảo lượng dự trữ. Xuất khẩu dầu diesel của Nga sang các nước EU đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12/2022 và bắt đầu giảm đáng kể trong tháng 1/2023.

Sau khi biện pháp trừng phạt có hiệu lực, Nga sẽ không dễ dàng tìm được người mua để bù đắp cho phần sụt giảm nhu cầu từ EU, bởi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có các nhà máy lọc dầu riêng. Việc thay thế các tàu chở dầu tinh chế của châu Âu sẽ khó khăn. Do đó, một phần sản phẩm tinh chế của Nga, chiếm 1/3 doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của nước này, có thể không bán được và vì vậy có thể làm tăng giá toàn cầu.

Chuyên gia Lauri Myllyvirta thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), dự đoán lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga cũng sẽ có những tác động tương tự như đối với dầu thô. Cụ thể là sụt giảm về số lượng ban đầu, sau đó buộc các nhà xuất khẩu Nga phải hạ giá để tìm người mua mới.

Tuy nhiên, theo thời gian, những hiệu ứng này có khả năng sẽ giảm dần. Nếu không thể bán dầu tinh chế, thì Nga có thể tăng khả năng xuất khẩu nhiều dầu thô hơn, tiếp thêm năng lượng cho hoạt động buôn bán ngầm.

Người châu Âu có thể chuyển sang Trung Quốc và Ấn Độ để mua dầu diesel, nhưng thực tế lượng dầu này có thể được sản xuất từ dầu thô của Nga. Khi nhiều dầu mỏ của Nga chảy ra ngoài tầm kiểm soát của phương Tây, các biện pháp phong tỏa có thể trở nên kém hiệu quả hơn.

Nguồn:baotintuc.vn

Viết bình luận mới