Chuyên gia kinh tế: Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở đường cho hòa bình tại Ukraine
12/05/2025 11:29
Giáo sư Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học danh tiếng người Mỹ và giảng viên tại Đại học Columbia, nhận định giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine có thể đạt được với sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, tháng 6/2019. Ảnh: AA
Theo đài Sputnik, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti, ông Sachs cho biết: “Đây là một bước tiến tích cực. Tôi tin rằng Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có khả năng thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình. Tôi đặt nhiều hy vọng vào kết quả này”.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đồng ý gặp Tổng thống Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5. Động thái này diễn ra chỉ một giờ sau khi ông Trump kêu gọi Ukraine chấp nhận lời đề nghị đàm phán từ Nga.
Ông Sachs cũng cho rằng Tổng thống Trump có cái nhìn “chính xác hơn nhiều” về bản chất của cuộc xung đột so với người tiền nhiệm Joe Biden. Theo ông, cuộc chiến có thể đã kết thúc vào tháng 4/2022, nếu không có lời kêu gọi tiếp tục chiến đấu từ chính quyền ông Biden.
Giáo sư Sachs bày tỏ sự “lạc quan thận trọng”, nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông Trump là chấm dứt xung đột – điều sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ, châu Âu, Nga và Ukraine.
Về phía Nga, Tổng thống Putin đã đề xuất nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5 mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Nga khẳng định sẵn sàng đàm phán hòa bình vào bất kỳ thời điểm nào và nhấn mạnh mong muốn đạt được một giải pháp lâu dài thay vì tạm thời.
Trước đó, Moskva từng bác bỏ đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày của Ukraine với lý do Kiev có thể tận dụng khoảng thời gian này để tái vũ trang và củng cố lực lượng.
Gần đây, Tổng thống Zelensky một lần nữa kêu gọi ngừng bắn sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Anh Keir Starmer – những người cũng ủng hộ sáng kiến của Ukraine.
Về phía Mỹ, ông Trump bày tỏ hy vọng hai bên có thể sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tháng. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu các bên không tuân thủ cam kết, Mỹ và các đồng minh sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.
Ngày 11/5, ông Trump kêu gọi Kiev chấp thuận lời đề nghị đàm phán hòa bình từ Moskva, nhấn mạnh rằng điều Nga mong muốn không chỉ là ngừng bắn, mà là một giải pháp chấm dứt xung đột một cách toàn diện.
Trong khi đó, Điện Kremlin bác bỏ áp lực quốc tế xung quanh đề xuất ngừng bắn, đồng thời lưu ý rằng Ukraine đã vi phạm ba thỏa thuận ngừng bắn trước đó, bao gồm lệnh ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng do Mỹ làm trung gian, lệnh ngừng bắn vào dịp lễ Phục sinh, và lệnh ngừng bắn 72 giờ nhân dịp kỉ niệm Ngày Chiến thắng.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga hướng tới tự chủ gần như hoàn toàn trong ngành dầu mỏ
Thuế quan Mỹ làm gián đoạn chuỗi cung ứng vũ khí của Ukraine thế nào?
Ấn Độ và Pakistan nhất trí ngừng bắn ngay lập tức
Tây Ban Nha: Hàng nghìn người phải ở trong nhà do khí độc
Ukraine tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn vô điều kiện với Nga trong 30 ngày
Tín hiệu gì sau thoả thuận thương mại Mỹ - Anh mới?
Đã có 6 ứng cử viên đăng ký tranh cử Tổng thống Hàn Quốc
Thực hư vụ Pakistan phá hủy hệ thống S-400 của Ấn Độ
Sotheby's dừng đấu giá xá lợi Phật thuộc 'khám phá khảo cổ phi thường nhất lịch sử'
Tân Thủ tướng Đức thăm Pháp: Khởi đầu mới