Politico: Nga đang giành chiến thắng trong cuộc chiến ngũ cốc toàn cầu
22/03/2024 10:33
Nông dân trên khắp châu Âu đã xuống đường trong năm nay với niềm tin rằng nông sản giá rẻ của Ukraine tràn qua biên giới là nguyên nhân gây ra tai ương cho họ.
Các cuộc biểu tình rầm rộ đã buộc chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ Ba Lan đến Pháp phải nhượng bộ rất nhiều cho nông dân, đồng thời khiến mối quan hệ chính trị của Kiev với các đồng minh phương Tây rơi vào tình trạng yếu nhất kể từ Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Lý do chính khiến nông dân EU không thể bán hàng hóa của mình trong năm nay dường như không liên quan gì đến Ukraine và ngành nông nghiệp khổng lồ của nước này. Thay vào đó, Nga, quốc gia có sản lượng nông nghiệp kỷ lục và xuất khẩu đứng đầu thế giới đã đẩy giá nông sản xuống mức thấp, khiến nông dân khắp nơi bị thiệt hại.
Caitlin Welsh, Giám đốc Chương trình An ninh nước và Thực phẩm toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng tác giả một bài báo gần đây về sự thống trị ngày càng tăng của Nga trên thị trường nông sản toàn cầu cho rằng: “Chắc chắn là Nga đang sử dụng việc xuất khẩu lương thực, đặc biệt là xuất khẩu lúa mì, như một hình thức thực thi quyền lực mềm”.
Được hỗ trợ bởi thời tiết cực kỳ thuận lợi, trong hai năm qua, Nga đã trồng được một diện tích lúa mì lớn chưa từng có và bán với giá rẻ trên thị trường thế giới. Điều đó đã đảo ngược sự leo thang về giá ngũ cốc và đẩy giá ngũ cốc xuống mức trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, gây bất lợi cho nông dân ở các nước như Ba Lan.
Những người nông dân Ba Lan đã đáp trả bằng cách phong tỏa biên giới với Ukraine vào đầu năm nay, đổ lỗi cho người láng giềng phía Đông đã khiến vụ thu hoạch của họ không có lãi. Nhưng thực tế là từ năm ngoái, Warsaw đã đơn phương cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine và Kiev cũng thành công trong việc thiết lập hành lang xuất khẩu an toàn của riêng mình ở Biển Đen bất chấp việc Nga rút khỏi Thoả thuận Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian, giảm bớt một phần lớn áp lực lên các tuyến xuất khẩu đường bộ xuyên lãnh thổ EU.
Các cuộc biểu tình đã đe dọa chính phủ liên minh mong manh của Ba Lan, buộc Thủ tướng Donald Tusk phải thực hiện một cuộc tấn công quyến rũ để thuyết phục các nước EU khác về sự cần thiết phải hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine vào khối này. Gần đây nhất, nỗ lực của Thủ tướng Ba Lan đã giành được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người cũng đang bị nông dân trong nước chỉ trích.
Do sự chú ý dồn đang vào hàng nhập khẩu của Ukraine, một số nước EU đã tăng cường tận dụng các sản phẩm giá rẻ của Nga. Tây Ban Nha, Ý và Pháp là những khách hàng thường xuyên mua ngũ cốc của Nga.
Trước sự hối thúc của Ba Lan, Latvia, Litva và các nước ở sườn phía Đông khác, Ủy ban châu Âu sẵn sàng tái áp đặt thuế đối với hàng nhập khẩu từ Nga. Động thái này được cho là sẽ làm tăng gấp đôi giá hàng nhập khẩu từ Nga, khiến nhu cầu đi xuống.
Nhưng với các chuyên gia về thị trường, đó thực ra chỉ là một động thái gây ra sự sao nhãng hơn là là một giải pháp thực sự cho tình hình kinh tế khó khăn mà nông dân châu Âu phải đối mặt bởi lượng nhập khẩu của EU tương đối nhỏ.
Cho nên, thay vì tranh cãi về tác động mà hàng nhập khẩu từ Ukraine hoặc Nga có thể gây ra đối với nông dân, tốt hơn là các nước EU đứng ra giúp Ukraine xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của họ để ngăn chặn sự thống trị toàn cầu của Nga, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp.
Trên thực tế, khi áp lực từ EU lớn lên, Nga đã nỗ lực tìm cách chuyển hướng sự chú ý, đưa lúa mì đến với các khu vực khác trên thế giới, nơi nước này đang tìm cách duy trì ảnh hưởng địa chính trị.
Trong năm qua, Moskva đã gửi hàng trăm nghìn tấn ngũ cốc miễn phí tới các nước châu Phi và châu Á, nhằm lấy lòng các chính quyền ở đó, nhất là các nước có mùa màng bị tàn phá do thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, theo ông Joseph Siegle, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi, có trụ sở tại Washington, D.C., các quốc gia nhập khẩu nông sản Nga nên tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để tránh những rủi ro lâu dài từ sự phụ thuộc ngày càng tăng vào hàng hóa Nga.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn
Triển vọng lệnh ngừng bắn tại Ukraine trong năm 2025
Nhà đầu tư tiền điện tử chôn kho báu trị giá hàng triệu USD thách thức cộng đồng tìm kiếm
New York cấp tốc áp phí lái xe vào Manhattan trước khi ông Trump nhậm chức