Panama khiếu nại lên Liên hợp quốc việc Mỹ đòi lấy lại kênh đào
23/01/2025 16:18
Ngày 21/1, Panama đã khiếu nại lên Liên hợp quốc (LHQ) về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến việc “lấy lại” Kênh đào Panama.
Trong một lá thư gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, chính quyền Panama đã đề cập đến một điều khoản của Hiến chương LHQ cấm bất kỳ thành viên nào "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của nước khác. Bức thư được công bố cho báo giới cũng kêu gọi ông Guterres chuyển vấn đề này lên Hội đồng Bảo an song không yêu cầu triệu tập một cuộc họp.
Trước áp lực từ Mỹ, Văn phòng kiểm toán Panama cũng cho biết sẽ tiến hành "một cuộc kiểm toán toàn diện nhằm đảm bảo việc sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực công" tại Công ty Cảng Panama.
Trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ “lấy lại” Kênh đào Panama khi cho rằng Trung Quốc đang "điều hành" tuyến đường thủy mà Mỹ đã trao trả vào cuối năm 1999 này. Trong một tuyên bố ngay sau đó, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino khẳng định tuyến đường thủy liên đại dương quan trọng này “đang và vẫn sẽ” thuộc về Panama, đồng thời tuyên bố “không có sự hiện diện và can thiệp của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” đối với Kênh đào Panama. Ngày 22/1, ông Jose Raul Mulino cũng nhắc lại các tuyên bố này tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.
Cũng trong ngày 22/1, Trung Quốc tuyên bố nước này "chưa từng can thiệp vào các vấn đề của kênh đào".
Kênh đào Panama dài 82 km nối liền hai đại dương được Mỹ xây dựng và khánh thành vào năm 1914, đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa và năng lượng của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ và Panama đã nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề quyền kiểm soát kênh đào này. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm vào tháng 1/1964 khi bạo loạn phản đối Mỹ bùng nổ, khiến một số người Panama và Mỹ thiệt mạng, quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt trong thời gian ngắn. Hai bên đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, đưa đến Hiệp ước Torrijos-Carter dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter vào năm 1977. Hiệp ước này có hiệu lực vào năm 1979, quy định thời hạn 20 năm để Mỹ trao trả hoàn toàn kênh đào về Panama. Ngày 31/12/1999, kênh đào Panama đã được trao trả cho Panama.
Hiện Mỹ là bên sử dụng chính của kênh đào, tiếp theo là Trung Quốc. Kể từ năm 2000, tuyến đường thủy này đã đóng góp hơn 30 tỷ USD vào ngân khố nhà nước của Panama, với gần 2,5 tỷ USD trong năm tài chính trước.
Các bài viết cùng chuyên mục
Kiev phát hiện Nga triển khai chiến thuật quân sự tinh vi nhằm vào Ukraine
Năng lượng Mặt Trời lần đầu tiên vượt than đá trong cung cấp điện năng ở EU
Lý do thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng mạnh
Tân Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Panama giữa cẳng thẳng vấn đề kênh đào
EU đối mặt chi phí năng lượng tăng cao do mất nguồn cung từ Nga
Thách thức ngoại giao đối với châu Âu sau khi Tổng thống Trump chính thức nắm quyền
Giải pháp thay thế cho tư cách thành viên NATO của Ukraine
Tổng thống Trump tiết lộ nội dung bức thư người tiền nhiệm Biden để lại trong ngăn bàn
Burkina Faso, Niger và Mali thành lập lực lượng chung chống bạo lực thánh chiến
Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Iran-Nga: Bước ngoặt trong quan hệ song phương