Những dự báo về giá dầu thế giới trong bối cảnh căng thẳng thuế quan

18/04/2025 08:03

Giá dầu đã phục hồi trong tuần này sau khi lao dốc do tác động từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, giá “vàng đen” vẫn còn một chặng đường dài để trở lại mức giá cách đây chỉ 4 tháng. Hiện tại, tình hình có vẻ không khả quan đối với các nhà sản xuất dầu

Chú thích ảnh

Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Chốt phiên giao dịch ngày 16/4, giá dầu mỏ thế giới tăng gần 2% và đạt mức cao nhất trong 2 tuần trở lại đây. Khép phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 1,14 USD (tương đương 1,9%) lên 62,47 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,18 USD (tương đương 1,8%) lên 65,85 USD/thùng.

Sự phục hồi giá trong tuần này là kết quả của những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng xem xét miễn thuế đối ứng với một số sản phẩm điện tử và công nghệ cao nhập khẩu. Tuy nhiên, điều đó không kéo dài, bởi thông tin rằng Tổng thống Trump ngày 15/4 ra lệnh đánh giá khả năng áp thuế mới đối với toàn bộ khoáng sản thiết yếu nhập khẩu vào Mỹ. Nói cách khác, Tổng thống Trump vẫn còn rất “mặn mà” với chính sách thuế quan.

Lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc tăng vọt vào tháng 3, được các nhà giao dịch coi là một dấu hiệu tích cực mạnh mẽ, góp phần vào sự phục hồi giá dầu khiến dầu thô Brent phục hồi lên 66 USD/thùng và dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lấy lại mức trên 61 USD/thùng. Lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu đạt mức cao nhất trong 20 tháng vào tháng 3, vượt 12 triệu thùng mỗi ngày, trong bối cảnh dòng dầu thô của Iran và Nga phục hồi từ mức thấp vào đầu năm nay.

Việc Trung Quốc có tiếp tục duy trì tốc độ nhập khẩu này trong tương lai hay không vẫn còn bỏ ngỏ, bởi xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh, thậm chí có thể tụt dốc không phanh.

Đối với các nhà xuất khẩu dầu, vấn đề cấp bách hơn là cuộc chiến thuế quan sẽ kéo dài bao lâu. Đây cũng là một dấu hỏi lớn.

Giá dầu có thể tiếp tục giảm nếu tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu chững lại do các nền kinh tế suy yếu trong bối cảnh hỗn loạn về thương mại và thuế quan. Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago ngày 16/4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết tăng trưởng kinh tế Mỹ có dấu hiệu chậm lại. Theo ông, mức thuế cao hơn dự kiến có thể đồng nghĩa với lạm phát tăng và tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, ông nói Fed sẽ chờ thêm dữ liệu về hướng đi của nền kinh tế trước khi đưa ra bất kỳ thay đổi nào về lãi suất.

Ngay cả OPEC, tổ chức luôn đưa ra dự báo lạc quan nhất về nhu cầu dầu, cũng vừa cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2025 và 2026.

Trong báo cáo hàng tháng công bố hôm 14/4, OPEC cho biết họ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong cả năm 2025 và 2026 – giảm 150.000 thùng/ngày cho mỗi năm so với dự báo trước đó.

Nhu cầu dầu khí toàn cầu suy yếu không phải là tín hiệu tích cực cho các dự án xuất khẩu LNG trong tương lai, vốn cần có các cam kết mua bán chắc chắn để có thể tiến tới quyết định đầu tư cuối cùng.

Đầu tháng này, JP Morgan đã nâng tỷ lệ suy thoái toàn cầu lên 60% từ dự đoán ban đầu 40%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự đoán khả năng gia tăng rắc rối trên quy mô toàn cầu do cuộc chiến thuế quan gây ra. Vì vậy, đối với cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu dầu thô, câu hỏi lớn là liệu cuộc chiến thuế quan sẽ được giải quyết trong vòng vài tuần hay sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí có thể là nhiều năm. Ông Robert Yawger tại ngân hàng đầu tư Mizuho Americas đánh giá với tờ The Wall Street Journal: “Tổng thống Trump tuyên bố rằng ngành năng lượng là con cưng trong kế hoạch kinh tế của mình, nhưng lại khiến mọi thứ trở nên cực kỳ khó khăn”.

Hiện tại, xuất hiện các dấu hiệu là tích cực với Tổng thống Trump đã mở ra thời hạn đàm phán 90 ngày cho thuế đối ứng, ngoại trừ Trung Quốc, đã chặn đà lao dốc của thị trường chứng khoán. Khi tâm lý lạc quan quay trở lại, giá dầu sẽ tăng cao hơn, mang lại giải tỏa cần thiết cho các nước xuất khẩu dầu mỏ. Tuy vậy, chính sách tập trung vào Trung Quốc của Tổng thống Trump vẫn sẽ kìm hãm đà tăng, giữ giá dầu ở mức phải chăng đối với các nước nhập khẩu.

Ngày 16/4, chính quyền của Tổng thống Trump đã ban hành lệnh trừng phạt mới nhắm vào xuất khẩu dầu của Iran, gia tăng áp lực lên Tehran. Một mối lo ngại khác về nguồn cung là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng ngày 16/4 cho biết họ đã nhận được kế hoạch cập nhật từ Iraq, Kazakhstan và các quốc gia khác vè việc cắt giảm sản lượng hơn nữa nhằm bù đắp cho việc khai thác vượt hạn ngạch.

Ông Michael McCarthy, Giám đốc điều hành nền tảng đầu tư trực tuyến Moomoo, nhận định: “Những yếu tố này rõ ràng có thể đã tác động đến tâm lý thị trường. Tôi cho rằng sản lượng của Iran không quá đáng kể, và các hạn ngạch của OPEC thường xuyên bị vi phạm hơn là tuân thủ. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này đều góp phần tạo ra tâm lý lạc quan hơn trên thị trường”.

Chú thích ảnh

Cơ sở dự trữ dầu thô ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn Reuters (Anh) vào tuần này phân tích rằng các quốc gia như Angola, Colombia, Nigeria và Venezuela sẽ phải chịu một số tổn thương do giá dầu giảm mạnh bởi “bão thuế quan”. Reuters trích dẫn nhận định của các nhà phân tích cho biết cuộc chiến thuế quan càng kéo dài thì “nỗi đau” đối với những nước xuất khẩu dầu mỏ này càng tồi tệ hơn.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, Saudi Arabia đang cảm thấy khó khăn đó, với thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 75 tỷ USD nếu tình trạng hỗn loạn vẫn tiếp diễn. Đây không phải là quốc gia duy nhất. Toàn bộ Trung Đông có nguy cơ đối mặt với thâm hụt cao hơn.

Nga cũng đang chịu áp lực, với giá dầu Urals, loại dầu chủ lực của nước này – đã giảm xuống dưới 55 USD/thùng vào tuần trước, so với mức 69,70 USD/thùng được đặt ra trong ngân sách năm nay. Doanh thu từ dầu khí hiện chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của Nga. Cũng cần lưu ý rằng chính phủ Nga vừa công bố một chiến lược năng lượng mới trong tuần này, dự báo sản lượng dầu sẽ duy trì ổn định trong 25 năm tới, ở mức trung bình 10,8 triệu thùng/ngày.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright vẫn giữ quan điểm lạc quan về sản lượng dầu của nước này và tin rằng ngành công nghiệp "vàng đen" không chỉ có thể trụ vững mà còn phát triển mạnh, ngay cả khi giá dầu giảm xuống mức 60 USD hoặc thấp hơn.

Tuy nhiên, trong khi các nhà xuất khẩu chịu thiệt hại, phía nhập khẩu sẽ được hưởng lợi từ cùng một xu hướng giá trong một thời gian.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới