Nỗ lực đưa Ấn Độ trở thành cường quốc toàn cầu của Thủ tướng Modi

14/07/2024 11:01

Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Nga gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một phần trong nỗ lực thúc đẩy Ấn Độ trở thành một cường quốc toàn cầu.

Chú thích ảnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Moskva, ngày 9/7/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Theo hãng tin CNA, ngày 9/7, ông Modi đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Moskva kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Ông Modi, người đã giành được nhiệm kỳ thứ 3 vào tháng trước, được ghi nhận là nhà lãnh đạo đã nâng cao vị thế của Ấn Độ trên toàn cầu. Dưới thời ông Modi, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã trở nên quyết đoán hơn trong thập kỷ qua.

Vị thế của Ấn Độ

“Khi Ấn Độ phát biểu tại các diễn đàn toàn cầu hiện nay, toàn thế giới đều chú ý lắng nghe. Khi Ấn Độ đưa ra một quyết định, thế giới cũng hành động theo các bước đi đó”, ông Modi phát biểu vào tháng 5.

Trong hai nhiệm kỳ gần đây nhất, Ấn Độ đã đảm nhiệm vai trò chủ tịch G20, bắt đầu tiếp cận các quốc gia thuộc nhóm Global South và liên kết chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh phương Tây. Nhưng Ấn Độ cũng duy trì mối quan hệ lịch sử với Nga.

Chú thích ảnh

Một số hình ảnh về cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ngày 8/7/2024 tại Moskva. Ảnh: Randhir Jaiswal/X

Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng cho một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Delhi vẫn mua dầu của Moskva với mức giá giảm sâu trước các mối đe dọa trừng phạt của phương Tây.

Các nhà phân tích nhận định cách tiếp cận chính sách đối ngoại cứng rắn này của Ấn Độ sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Modi.

Nhà phân tích chính sách đối ngoại Shruti Pandalai lập luận rằng trong hai nhiệm kỳ trước, ông Modi tập trung vào tạo ra không gian để Ấn Độ chứng minh với thế giới rằng họ có thể là “một cường quốc cầu nối giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới”. “Ý tưởng này cùng với Modi 3.0 sẽ tiếp tục được thực hiện”, bà nói.

Chấp nhận lập trường trung lập hơn

Các nhà quan sát cho biết Ấn Độ đã không ngại hợp tác với Nga, bất chấp việc Mỹ bày tỏ lo ngại về quan hệ quân sự và thương mại giữa hai bên.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Meera Shankar nói: “Ấn Độ đã thận trọng trong việc áp dụng lập trường trung lập hơn, không đứng về phía các nước phương Tây để gây áp lực cho Nga”.

Chú thích ảnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đi dạo trong cuộc gặp tại dinh thự Novo-Ogaryovo gần Moskva, Nga ngày 8/7. Ảnh: Sputnik

Một số nhà phân tích tin rằng Nga đang cố gắng giúp Ấn Độ giảm căng thẳng với Trung Quốc.

Nga đã thúc đẩy khôi phục đối thoại ba bên với Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng nhóm này đã không họp kể từ năm 2020, khi binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột chết người ở phía đông Ladakh, gây ra cuộc đụng độ biên giới vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Trong khi những bất đồng biên giới vẫn là nguồn cơn gây căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á, việc bổ nhiệm cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri làm Bí thư Đối ngoại mới của nước này được coi là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ có thể muốn thiết lập lại quan hệ song phương.

Gần đây, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã có cuộc gặp hiếm hoi với phái viên mới của Trung Quốc tại Ấn Độ Xu Feihong. Trong đó, hai bên nhấn mạnh đến lợi ích chung trong việc ổn định quan hệ.

Thực tế địa chính trị của Ấn Độ

Ngay cả khi Ấn Độ tự coi mình là lựa chọn thay thế cho các công ty phương Tây đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, thì nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu từ nước láng giềng, với kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 130 tỷ USD vào năm ngoái.

Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp Ấn Độ kêu gọi nới lỏng thị thực cho lao động có tay nghề cao của Trung Quốc.

“Vẫn có cơ hội mở ra đối thoại và cố gắng tránh tính toán sai lầm", chuyên gia Pandalai cho hay.

Cầu nối với phương Tây

Chú thích ảnh

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, Washington, DC ngày 22/6/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ấn Độ cũng ưu tiên phương Tây trong các cam kết của nước này, nhấn mạnh sự tham dự của ông Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 và khả năng có các cuộc đàm phán thương mại mới với Liên minh châu Âu và Anh.

Mỹ cũng tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ, khi Tổng thống Joe Biden gọi mối quan hệ này là “mối quan hệ đối tác mang tính quyết định nhất” của thế kỷ này.

Trong năm qua, Washington đã tăng cường bán vũ khí và chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng khả năng cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 có thể làm thay đổi mối quan hệ thương mại giữa hai bên.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNA)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới