Những thách thức chồng chất với phương Tây

08/06/2024 07:58

Các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, cùng với việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tranh cử, đang thử thách liên minh phương Tây.

Chú thích ảnh

 Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bình luận của tờ New York Times mới đây, các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, cùng với việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tranh cử, đang thử thách liên minh phương Tây. Dù các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu có cơ hội hiếm hoi để thể hiện sự đoàn kết nhân lễ kỷ niệm 80 năm D-Day (ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ hai), nhưng đằng sau sự hào nhoáng vẫn tồn tại những nghi ngờ dai dẳng, nhất là về đường hướng chính trị Mỹ. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi tới Pháp sẽ đến Italy (nhưng dự kiến sẽ bỏ qua hội nghị hoà bình về Ukraine tại Thuỵ Sĩ) cho thấy sự tăng cường hoạt động ngoại giao trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trong năm bầu cử trước cựu Tổng thống Donald Trump, người nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay có thể có tác động lớn đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Charles A. Kupchan, Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown, nhận định: “Liên minh phương Tây đang trải qua một kỷ nguyên hồi sinh và đổi mới, và những hội nghị thượng đỉnh khác nhau này sẽ thể hiện được điều đó. Nhưng chúng ta đang kỳ vọng vào đúng thời điểm mà mọi người đều lo lắng về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới".

Giáo sư Kupchan, người từng làm việc về các vấn đề châu Âu trong chính quyền Obama, lưu ý: ''Lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, mối đe dọa bên trong đối với phương Tây nghiêm trọng hơn mối đe dọa từ bên ngoài''.

Và trong khi ông Trump đang vướng vào vấn đề pháp lý vào tuần trước, nhiều người ở châu Âu không thể thay đổi được cảm giác rằng ông vẫn đang trên đường trở lại Nhà Trắng. Kim Darroch, người từng là Đại sứ Anh tại Mỹ trong chính quyền Trump, cho biết: “Người châu Âu đã nghĩ rằng loạt vụ án hình sự này đang giúp ích cho ông Trump hơn là cản trở ông ấy. Đây sẽ là một phần của mọi cuộc thảo luận giữa các phái đoàn tại tất cả các hội nghị thượng đỉnh này".

Một số chuyên gia cho rằng, đối với tất cả những nỗ lực ngoại giao của mình, việc Tổng thống Biden nhấn mạnh vào các liên minh đã gieo mầm mống cho những vấn đề trong tương lai. Nó đã khiến các đồng minh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và đó là lý do tại sao "bóng ma" về sự trở lại của ông Trump phủ bóng các cuộc họp ở Pháp, Thụy Sĩ, Italy và Mỹ.

''Trọng tâm chiến lược của Tổng thống Biden là các liên minh và đồng minh; họ vô cùng tự hào về điều đó. Ngược lại, ông Trump về cơ bản nghĩ rằng các đồng minh là người thân đến nhà bạn, mượn tiền và sử dụng đồ dùng của bạn. Nhưng chính quyền Biden đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi vì đã tạo ra sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ hiện tại”, Jeremy Shapiro, Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu nói.

Bên cạnh đó, việc ông Biden kiên quyết ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở Gaza đã gây ra sự chia rẽ giữa Mỹ và một số nước châu Âu. Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha gần đây đã công nhận nhà nước Palestine. Nhưng Anh, Pháp và Đức cho đến nay vẫn tránh được sự chia rẽ với Mỹ, bất chấp tình hình chính trị nội bộ đầy khó khăn ở các nước này và sự khó chịu ngày càng tăng đối với cách tiến hành cuộc chiến của Israel.

Nhưng sự lo lắng của phương Tây không chỉ giới hạn ở những lo ngại về Mỹ. Những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đang lan rộng khắp châu Âu - từ Italy, nơi Thủ tướng cánh hữu Giorgia Meloni, sẽ chủ trì cuộc họp G7, đến Pháp và Đức, nơi các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng và những thách thức bất ổn trên chính trường trước sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo NYT)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới