Nguy cơ chiến tranh toàn diện sau vụ giao tranh lớn nhất giữa Hezbollah và Israel

26/08/2024 07:51

Ngày 25/8 đã chứng kiến cuộc giao tranh lớn nhất giữa lực lượng Hezbollah và Israel kể từ khi cuộc xung đột Israel – Hamas nổ ra. Giới chuyên gia nhận định phản ứng sắp tới của các bên sẽ quyết định liệu kịch bản leo thang toàn diện dẫn đến cuộc chiến khu vực có diễn ra hay không.

Chú thích ảnh

Khói bốc lên sau cuộc pháo kích của Israel xuống Khiam, Liban ngày 23/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong động thái mới nhất, lực lượng Hezbollah có trụ sở tại Liban đã phóng hơn 320 quả tên lửa Katyusha nhắm trúng 11 mục tiêu quân sự ở Israel. Ngay trước đó, quân đội Israel đã thực hiện các cuộc không kích vào hàng loạt địa điểm được cho là nơi phóng tên lửa của Hezbollah ở miền Nam Liban. Tel Aviv tuyên bố đây là đòn phủ đầu mà họ cho rằng nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công chết chóc hơn.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này có phản ứng cứng rắn. Trong khi đó, chuyên gia Stefan Wolff - Giáo sư An ninh Quốc tế tại Đại học Birmingham, Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế - nhận định cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào Hezbollah chắc chắn cho thấy hiện tại, Israel đã có đủ cả năng lực tình báo và quân sự để kiềm chế các đối thủ trong khu vực.

Thời điểm diễn ra cuộc tấn công của Hezbollah

Thời điểm Hezbollah tiến hành tấn công – đặc biệt là các cuộc tấn công bằng tên lửa lớn  – rất đáng chú ý.

Sự kiện này diễn ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken – chuyến thăm thứ 9 của ông kể từ khi xung đột ở Dải Gaza nổ ra – đến khu vực Trung Đông. Chuyến thăm đã kết thúc mà không có bất kỳ đột phá nào về thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian, đã được nối lại tại Cairo, Giáo sư Wolff cho rằng các bên vẫn còn khó có thể đạt được một thỏa thuận.

Ngoài ra, cuộc tấn công còn diễn ra đúng thời điểm Tướng Không quân Charles Quinton Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tới Trung Đông. Điều này cho thấy sự ưu tiên mà Washington dành cho cuộc khủng hoảng này.

Theo ông Wolff, tất cả những dấu hiệu này cho thấy xung đột có thể leo thang hơn nữa, và các cuộc tấn công của Hezbollah có thể chỉ là động thái mở màn trong vòng xoáy xung đột “ăn miếng trả miếng” khác dọc biên giới phía bắc của Israel.

Đáng lo ngại hơn, Hezbollah tuyên bố rằng cuộc tấn công hôm 25/8 đã hoàn thành “giai đoạn đầu tiên” trong phản ứng của lực lượng này đối với vụ ám sát chỉ huy cấp cao Fuad Shukr. Tuyên bố cho rằng phản ứng đầy đủ sẽ mất “một thời gian” chắc chắn cho thấy Hezbollah sẽ tiến hành một chiến dịch trả đũa kéo dài.

Liệu Iran có phản ứng?

Chú thích ảnh

Một ngôi nhà tại Kiryat Shmona, miền Bắc Israel bị hư hại sau khi trúng tên lửa của phong trào Hezbollah ở Liban ngày 24/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, phản ứng của Iran mới đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu đây có tiếp tục là cuộc đối đầu nội bộ giữa Israel và Hezbollah, hay leo thang thành cuộc chiến khu vực.

Iran đã cam kết sẽ trả đũa sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran vào tháng trước, song vẫn chưa thực hiện lời đe dọa này. Trong khi các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza đang bế tắc và thảm họa nhân đạo đang ngày càng tồi tệ hơn, Iran có rất ít động lực để trì hoãn hành động trả đũa.

Nhưng Tehran không còn lựa chọn nào tốt hơn để thực hiện lời đe dọa của họ - thông qua các lực lượng thân Iran hoặc tự mình hành động.

Theo ông Wolff, một trong số các lực lượng thân Iran từng rất mạnh là phong trào Hamas, song lực lượng này đã thiệt hại đáng kể sau nhiều tháng chiến tranh ở Gaza. Trong khi đó, mối đe dọa từ Houthi ở Yemen chủ yếu vẫn giới hạn ở các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ.

Cuộc tấn công của Iran vào Israel vào tháng 4 - với trên 300 thiết bị bay không người lái và tên lửa nhưng cuối cùng gây ra ít thiệt hại - đã chứng minh khả năng của Tehran nhưng không đem lại nhiều hiệu quả. Giáo sư Wolff cho rằng bất kỳ cuộc tấn công tương tự nào lần này cũng khó có thể giáng một đòn tàn khốc vào Israel. Động thái đó gần như chắc chắn sẽ kích hoạt phản ứng quân sự của Israel, và có thể là phản ứng của Mỹ.

Câu hỏi hiện nay là liệu năng lực quân sự kết hợp của Israel và Mỹ trong khu vực có đủ sức răn đe Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này hay không. Trong trường hợp này, cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông vẫn có thể ngăn chặn được.

Trong khi đó, ông Wolff cho rằng nếu sức mạnh quân sự kết hợp của Israel và Mỹ chỉ đóng vai trò là sự đảm bảo với Tel Aviv rằng Washington sẽ bảo vệ họ trong bất kỳ sự leo thang nào nữa. Trong trường hợp này, sự liều lĩnh hơn nữa ở tất cả các bên có khả năng sẽ đưa khu vực này tiến gần hơn đến vực thẳm.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNA)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới