Nga, Saudi Arabia giảm nguồn cung cấp dầu cho châu Á
25/10/2024 16:07
Nga và Saudi Arabia đã đồng loạt giảm nguồn cung dầu cho thị trường châu Á trong chín tháng đầu năm 2024. Động thái này phản ánh những thay đổi đáng kể trong cung-cầu dầu mỏ khu vực, đặc biệt là sự suy giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc.

Hoạt động bơm dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye ở Izhevsk, vùng Ural, LB Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Tờ Kommersant (Nga) ngày 24/10 đưa tin, lượng dầu vận chuyển đến châu Á của Nga và Saudi Arabia đã giảm đáng kể trong chín tháng đầu năm 2024. Cụ thể, Nga cung cấp 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd), giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Saudi Arabia đạt mức 4,9 triệu bpd, giảm 7%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là thỏa thuận OPEC+ giữa Nga và Saudi Arabia nhằm hạn chế sản lượng dầu. Theo Argus, bên cạnh việc nguồn cung không đủ, giá dầu của Saudi Arabia cũng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, góp phần làm giảm khối lượng nhập khẩu.
Trong bức tranh tổng thể, tổng lượng nhập khẩu dầu qua đường biển của châu Á đã giảm 1,8% xuống còn 22,98 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp khác đã tăng nguồn cung, bao gồm UAE (chiếm 13% thị phần), Iraq (10%) và Mỹ (7%), với tổng mức tăng đạt 250.000 thùng/ngày.
Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Lượng nhập khẩu của nước này đã giảm 410.000 thùng/ngày, xuống còn 9,89 triệu thùng/ngày. Điều này trái ngược với dự đoán của các chuyên gia hồi đầu năm về việc nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhờ các nhà máy lọc dầu mới.
Victor Katona, chuyên gia phân tích tại Kpler, chỉ ra rằng Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức. Không chỉ có nhu cầu giảm, biên độ lọc dầu cũng thu hẹp khi nguồn cung sản phẩm dầu toàn cầu trở lại bình thường.
Chuyên gia Katona cũng lưu ý rằng các sự kiện lớn như hậu quả của COVID-19, các lệnh trừng phạt Nga hay những cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ và Eo biển Bab el-Mandeb đều không gây ra tình trạng thiếu hụt hay gián đoạn nguồn cung trong khu vực.
Nhưng có hai yếu tố chính đang ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc. Thứ nhất là cuộc khủng hoảng trong ngành xây dựng, làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu diesel. Thứ hai là chiến lược chuyển đổi năng lượng của nước này, với việc tích cực đưa vào sử dụng các phương tiện chạy bằng năng lượng mới, được dự báo sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu trong tương lai.
Các bài viết cùng chuyên mục
Xuồng hơi cho người nhập cư trái phép được bán công khai trên sàn thương mại điện tử
Vụ Đại học Harvard kiện chính quyền Trump sẽ định đoạt quyền tự chủ học thuật ở Mỹ?
Thủ tướng Nhật Bản có động thái tránh đối đầu Trung Quốc giữa lúc đàm phán với Mỹ
Những quả trứng sôcôla biết kể chuyện
DHL tạm dừng chuyển hàng toàn cầu trên 800 USD cho người tiêu dùng Mỹ
Tiết lộ phương án Israel tấn công cơ sở hạt nhân của Iran
LHQ kêu gọi Mỹ và Houthi 'kiềm chế tối đa'
Núi lửa Marapi ở Indonesia phun tro bụi cao hơn 1.000 m
Thủy phi cơ AG600 của Trung Quốc sẵn sàng đưa vào sử dụng
Cuộc chiến AI: Nvidia đứng giữa ‘gọng kìm’ Mỹ - Trung