Mỹ mong muốn giải quyết căng thẳng Hezbollah - Israel bằng biện pháp ngoại giao

31/07/2024 07:49

Ngày 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ leo thang sau vụ tấn công nhằm vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, song cho rằng cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban vẫn có thể tránh được.

Chú thích ảnh

Binh sĩ Israel được triển khai tại hiện trường vụ tấn công ở ngôi làng Majdal Shams thuộc Cao nguyên Golan ngày 27/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại họp báo chung ở Manila sau cuộc hội đàm an ninh 2+2 giữa ông cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp Philippines, ông Austin đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột toàn diện trong bối cảnh gia tăng hoạt động tại biên giới phía Bắc Israel. Tuy nhiên, ông tin rằng nguy cơ xung đột vẫn có thể tránh được và mong muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao.

Cùng ngày, báo The Times đưa tin Anh sẽ trì hoãn quyết định dừng xuất khẩu vũ khí sang Israel trong vài tháng.  

Theo nguồn tin, quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn vì Anh đang xem xét đình chỉ giấy phép xuất khẩu một số hệ thống vũ khí nhất định do có thể liên quan đến tội ác chiến tranh. Quá trình đánh giá này sẽ mất vài tuần.

Căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi xung đột Hamas - Israel nổ ra tháng 10/2023. Ngày 27/7, tình hình trong khu vực diễn biến khó lường sau khi xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến 12 thanh thiếu niên và trẻ em thiệt mạng. Nội các an ninh của Israel đã ủy quyền cho chính phủ đáp trả cuộc tấn công mà nước này cho rằng do lực lượng Hezbollah thực hiện. Về phần mình, Hezbollah khẳng định không liên quan vụ tấn công.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, các hãng hàng không Aegean Airlines của Hy Lạp và Condor của Đức đã tạm hủy các chuyến bay đến Beirut (Liban) trong ngày 30/7. Trong thông báo, Aegean tuyên bố sẽ tạm dừng các chuyến bay cho đến ngày 1/8, trong khi Condor hủy chuyến bay ngày 30/7 từ Dusseldorf. Trước đó một ngày, các hãng hàng không Air France, Swiss, Eurowings và Lufthansa đã thông báo hủy chuyến bay đến Beirut. Một số hãng khác cũng đã dừng, hoãn hoặc hủy chuyến bay, mặc dù trong ngày 30/7, sân bay quốc tế Rafic Hariri của Beirut vẫn đón hành khách đến từ các hãng hàng không Pegasus, Emirates, EgyptAir, Iran Air, Qatar Airways và Etihad.

Thúc Anh (TTXVN)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới