Lo ngại bất ổn, Liên hợp quốc rút bớt nhân viên khỏi Haiti
15/03/2024 11:12
Liên hợp quốc sẽ sơ tán những nhân viên không thiết yếu khỏi Haiti trước những lo ngại về tình hình an ninh bất ổn tại quốc gia Caribe này.
Người biểu tình gây bạo loạn tại Port-au-Prince, Haiti sau quyết định từ chức của Thủ tướng Ariel Henry, ngày 12/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đây là thông tin được phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đưa ra trong một tuyên bố ngày 13/3. “Dựa trên kết quả của Quy trình quản lý rủi ro an ninh sửa đổi (SRMP), chúng tôi sẽ giảm bớt sự hiện diện của những nhân viên không thiết yếu”- ông Dujarric nói.
Tuy nhiên, phát ngôn viên này khẳng định, Liên hợp quốc sẽ không rời Haiti. Các đồng nghiệp thực hiện các hoạt động cứu trợ sẽ ở lại để tiếp tục thực hiện sứ mệnh tại Haiti. “Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình” - ông Dujarric nhấn mạnh.
Tuyên bố của Dujarric được đưa ra sau khi cuộc họp ngày 13/3 của Cộng đồng Caribe diễn ra tại Kingston (Jamaica) đề xuất một hiệp định nhằm chấm dứt bạo lực băng đảng gây nhiều thương vong tại Haiti trong nhiều tuần qua. Đề xuất trên kêu gọi thành lập một Hội đồng tổng thống và bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời tại Haiti.
Trước đó, trong bài phát biểu qua video vào cuối ngày 11/3, Thủ tướng Haiti Ariel Henry cũng đã công bố quyết định từ chức ngay sau khi Hội đồng tổng thống được thành lập.
Bất ổn chính trị bao trùm Haiti kể từ khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát vào tháng 7/2021, khiến Thủ tướng Ariel Henry trở thành lãnh đạo lâm thời của đất nước. Tình hình đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng từ ngày 29/2, sau khi làn sóng bạo lực do các băng đảng gây ra ở Port-au-Prince đã dẫn đến việc hàng nghìn thường dân phải di dời, trong khi việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bị cản trở nghiêm trọng, khiến cuộc sống của người dân vốn đã bấp bênh lại càng thêm khốn khó.
Tiếp cận thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, nước và các cơ sở vệ sinh cũng như hỗ trợ tâm lý hiện đang là một trong những nhu cầu cấp thiết nhất của người dân Haiti. Nhiều gia đình thậm chí không có cách nào khác để đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ. Các tổ chức nhân đạo đã bắt đầu tăng cường viện trợ khẩn cấp cho người dân Haiti, tuy nhiên tình trạng bạo lực kéo dài và lan rộng đã gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động này.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc mới đây đã bày tỏ quan ngại trước tác động của bạo lực đối với dân thường và các hoạt động viện trợ tại Haiti. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 5,5 triệu người - tức gần một nửa dân số quốc gia vùng Caribe, đang cần hỗ trợ nhân đạo.
OCHA cho biết, cơ quan này và các đối tác đang nỗ lực để trợ giúp những người phải di dời vì bạo lực, trong khi vẫn tiếp tục các chương trình thường xuyên của họ tại nhiều khu vực khác của Haiti
“Nhiều người trong số những người cần giúp đỡ là phụ nữ và trẻ em. Họ bị tổn thương bởi những gì phải chứng kiến. Họ cảm thấy không an toàn và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Họ cần viện trợ khẩn cấp cũng như các không gian an toàn… Và để làm được điều đó, chúng tôi cần quyền tiếp cận an toàn và không bị cản trở” - OCHA nêu rõ.
Theo đánh giá của OCHA, bạo lực ở thủ đô Port-au-Prince đang ảnh hưởng đến các hoạt động nhân đạo ở các khu vực khác của Haiti, bao gồm cả việc cản trở các hoạt động vận chuyển bằng đường biển từ Port-au-Prince đến các khu vực khác.
Cũng theo OCHA, kế hoạch ứng phó nhân đạo cho Haiti trị giá 674 triệu USD tới nay mới chỉ được đáp ứng 2,6%./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn
Triển vọng lệnh ngừng bắn tại Ukraine trong năm 2025
Nhà đầu tư tiền điện tử chôn kho báu trị giá hàng triệu USD thách thức cộng đồng tìm kiếm
New York cấp tốc áp phí lái xe vào Manhattan trước khi ông Trump nhậm chức