Liên hợp quốc quan ngại về các hoạt động quân sự của Israel tại bệnh viện Al-Shifa
23/03/2024 10:46
Ngày 20/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thông qua người phát ngôn của mình để bày tỏ sự quan ngại đặc biệt trước các hoạt động quân sự của Israel tại bệnh viện Al-Shifa ở Gaza.
Người dân Palestine di tản khỏi các khu vực lân cận bệnh viện Al-Shifa tại thành phố Gaza giữa lúc xung đột Hamas-Israel tiếp diễn ác liệt. (Ảnh: AFP) |
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc - ông Said Florencia Soto Nino nhắc lại thông điệp của ông Guterres nhằm kêu gọi tất cả các bên phải tuân thủ luật Nhân đạo quốc tế; lưu ý rằng các bệnh viện chỉ có thể bị mất quy chế bảo vệ nếu chúng được sử dụng ngoài chức năng nhân đạo của mình.
Cũng trong ngày 20/3, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, hoạt động quân sự của Israel bên trong và xung quanh bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza đã bước sang ngày thứ 3 liên tiếp, với các báo cáo về các vụ giao tranh ác liệt giữa lực lượng Israel và các nhóm vũ trang Palestine.
OCHA dẫn thông tin từ quân đội Israel cho biết, khoảng 90 người Palestine có vũ trang đã thiệt mạng, trong khi hàng trăm người khác đã bị bắt giữ trong cuộc đột kích của Israel vào bệnh viện Al-Shifa.
Trong khi đó, Văn phòng truyền thông của Gaza thông báo rằng nhiều dân thường, bao gồm cả trẻ em, nằm trong số những người thiệt mạng. Cơ quan y tế ở Gaza kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong việc bảo vệ các nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Al-Shifa. Cơ quan này cũng đồng thời lưu ý rằng những người trong bệnh viện không thể nhịn đói do thiếu nước và thức ăn khi lực lượng Israel đang tiếp tục bao vây khu vực.
Al Shifa - bệnh viện lớn nhất dải Gaza, hiện vẫn là một trong số ít cơ sở chăm sóc sức khỏe còn hoạt động tại phía Bắc Gaza và cũng là nơi trú ngụ của nhiều dân thường phải di dời do xung đột.
Trước thực tế trên, OCHA tiếp tục kêu gọi các nỗ lực bảo vệ dân thường, gồm cả các bệnh nhân và các nhân viên y tế. Theo cơ quan của Liên hợp quốc, các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc y tế không thể trở thành mục tiêu bị tấn công.
OCHA cho biết tính đến tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận 410 vụ tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Gaza kể từ sau thời điểm bùng phát xung đột giữa phong trào Hamas và lực lượng Israel vào ngày 7/10/2023.
Các cuộc tấn công không chỉ gây nhiều thương vong trong dân thường mà còn khiến gần 100 cơ sở hạ tầng bị phá hủy và hơn 100 xe cứu thương hư hại. Trong cùng thời gian đó, WHO cũng đã ghi nhận 403 cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng./.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn
Triển vọng lệnh ngừng bắn tại Ukraine trong năm 2025
Nhà đầu tư tiền điện tử chôn kho báu trị giá hàng triệu USD thách thức cộng đồng tìm kiếm
New York cấp tốc áp phí lái xe vào Manhattan trước khi ông Trump nhậm chức